Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, người thuộc nhóm có hệ thống miễn dịch suy yếu, không đủ khả năng phòng bệnh dù đã tiêm chủng đủ liều vắc xin cơ bản; người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng là người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...
Việc cung cấp liều vắc xin bổ sung có thể giúp nhóm này có đáp ứng miễn dịch tương tự như nhóm người bình thường khác. Ngoài ra, nếu đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V thì cũng cần tiêm bổ sung vắc xin Covid-19.
Lưu ý, những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Còn với người tiêm nhắc lại là người đã tiêm chủng đầy đủ liều vắc xin, nhằm tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ cơ thể của các liều cơ bản.
Cần tiêm nhắc nếu có ba điều kiện gồm từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất được 3 tháng.
Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA.
Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin vector virus (AstraZeneca).
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM – việc tiêm mũi vắc xin bổ sung cho 1 nhóm đối tượng vì ở những người đó khả năng sinh kháng thể kém hơn người khoẻ mạnh bình thường.
Hơn nữa nhóm cần tiêm vắc xin lại dễ bị trở nặng khi nhiễm thêm Covid-19. Vì vậy, PGS Dũng khuyến cáo các gia đình có người nằm trong nhóm đối tượng cần tiêm mũi bổ sung nhanh chóng đăng ký với trạm y tế địa phương để được tiêm vắc xim sớm.
Ảnh minh hoạ.
Thông thường, sau khi tiêm vắc xin khoảng 4-6 tháng, kháng thể bị giảm đi và nếu bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2 sẽ có thể mắc bệnh và không bị bệnh nặng. Dù bệnh không nặng nhưng do các virus đã sinh sản trong cơ thể nên sẽ có thể lây bệnh cho người khác. Vì vậy, tiêm mũi 3 đối với người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc người làm việc ở môi trường nguy cơ là cần thiết.
Ngoài tiêm mũi thứ 3, PGS Dũng nhận định các tỉnh có số ca mắc tăng và tử vong tăng trong đó các ca tử vong đa phần chưa tiêm vắc xin nên vẫn cần rà soát tiêm đủ mũi vắc xin cơ bản cho người chưa tiêm để giảm tử vong.
Vắc xin không chặn được sự lây lan dịch bệnh Covid-19 nhưng có hiệu quả bảo vệ 80 - 90% bệnh nhân, tránh chuyển nặng, giảm nguy cơ tử vong.
Hiện nay, số lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch ở các khoa hồi sức tích cực có khoảng 60 - 70% chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều cơ bản, tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi chiếm khoảng 30%.
Riêng trong số ca tử vong tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM có 55% người chưa tiêm mũi nào, 18% tiêm mũi 1, chỉ có 14% đã tiêm đủ 2 mũi và 13% chưa có thông tin. Vì vậy có thể thấy vai trò của vắc xin giúp giảm trở nặng và tử vong rất lớn.
Theo PGS Trần Đắc Phu -nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, virus nào cũng có biến chủng. Điều đáng lo ngại nhất là sự biến đổi ở protein giúp virus xâm nhập vào tế bào con người để lây lan bệnh và có khả năng vô hiệu hóa vắc xin.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định biến thể Omicron có thể vô hiệu hóa vắc xin và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo việc tiêm vắc xin vẫn có hiệu quả với cả chủng virus mới. Có nghiên cứu cho thấy sau tiêm mũi 3, hiệu quả miễn dịch tăng cao trên 90%.
Cũng theo PGS Phu việc tiêm cho đối tượng nguy cơ cần gắn với vùng nguy cơ, ưu tiên vùng nguy cơ cao, hoạt động đi lại nhiều, mật độ dân số cao, như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An. Những nơi này cần tiêm trước, tiêm nhanh mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao để phòng bệnh trước những diễn biến khó lường của đại dịch.
>> Xem thêm: Thế giới có gần 291 triệu ca mắc COVID-19