Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Sân vận động Mỹ Đình sẽ là nơi diễn ra Lễ khai mạc, bế mạc của SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú
Bảo đảm tiến độ
SEA Games 31 sẽ có 40 môn thi đấu và 526 nội dung với 10.000 người tham dự. Trong đó, Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc lần lượt vào các ngày 12/5 và 23/5. Hai buổi lễ quan trọng này sẽ diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Thời điểm này, Ban Tổ chức đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ Đại hội lần thứ hai diễn ra tại Việt Nam. Trong đó, 3 nhiệm vụ quan trọng nhất là chuyên môn, y tế và cơ sở vật chất.
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu được coi là hình ảnh của thể thao Việt Nam. Vì vậy, đây là đầu việc được ngành thể thao đặc biệt quan tâm, dù thực tế gặp rất nhiều sức ép bởi hầu hết cơ sở vật chất phục vụ thi đấu đều đã sử dụng từ 2003 khi SEA Games 22 được tổ chức.
Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn, Ban Tổ chức đặt ra mục tiêu, chậm nhất đến tháng 4/2022, mọi công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, nhất là hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng tại các địa điểm thi đấu sẽ phải hoàn tất, đưa vào vận hành thử. 'Việc chuẩn bị cho SEA Games 31 vẫn đang rất khẩn trương, tích cực dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19. Tiến độ, chất lượng các hạng mục vẫn đang đảm bảo theo lịch trình, mục tiêu, yêu cầu đặt ra' – ông Trần Đức Phấn cho biết.
Khắc phục khó khăn
Kinh phí tổ chức SEA Games 31 vào khoảng gần 1.700 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư, trong đó gần 600 tỷ đồng dành cho cải tạo cơ sở vật chất phục vụ đại hội đã được cấp. Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, cho đến nay, các công trình vẫn đang đảm bảo đúng tiến độ và sẽ sớm bàn giao để có thể tổ chức một số giải đấu tiền SEA Games coi như một bài kiểm tra cho Ban Tổ chức.
Về phía Hà Nội, từ giữa năm 2020, việc nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các công trình phục vụ SEA Games 31 đã được tiến hành. Các địa điểm như Nhà thi đấu Gia Lâm, Thanh Trì, Tây Hồ… cơ bản hoàn tất phần bên trong nhà thi đấu như sàn, hệ thống ánh sáng, ghế ngồi, phòng chức năng… Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội Hà Nội, những công trình trong kế hoạch sửa chữa, duy tu, bảo trì để phục vụ cho SEA Games 31 đã tiến hành đúng theo quy định cũng như tiến trình đề ra, đang bàn giao. Trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu, nếu có điểm không phù hợp sẽ chỉnh sửa, khắc phục theo đúng quy định để phục vụ tốt nhất cho SEA Games.
Trong khi đó, vấn đề chuyên môn như huấn luyện viên, vận động viên cũng được Hà Nội tập trung đầu tư trọng điểm, hướng đến các VĐV có thành tích cao, những bộ môn có thể phát triển nằm trong Olympic. Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội xác định phấn đấu tối thiểu đóng góp 30% lực lượng vận động viên cho các đội tuyển quốc gia và đóng góp ít nhất 30% thành tích trong tổng số huy chương của quốc gia tại Đại hội. 'Trước những khó khăn về dịch bệnh cũng như các yếu tố khác, Hà Nội luôn xác định trên tinh thần cao nhất, chuẩn bị tốt về mọi mặt, sẵn sàng cho SEA Games 31' - ông Đỗ Đình Hồng nói.
Việt Nam sẵn sàng chào đón đoàn Thể thao của 11 quốc gia Đông Nam Á đến tham dự SEA Games 31, hứa hẹn một kỳ SEA Games hội tụ những tinh hoa xuất sắc nhất của thể thao khu vực. Đồng thời kết nối các hoạt động giao lưu Nhân dân, hướng tới việc thiết lập một nền tảng vững chắc cho các vận động viên khu vực Đông Nam Á chuẩn bị cho Asiad và Olympic Games.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương