Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Chị Phạm Thị Th. (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cả gia đình chị đều là F0. Đầu tiên là con chị xét nghiệm dương tính tại nhà, sau đó báo lên phường, được bố mẹ đưa ra phường lấy mẫu PCR nhưng 3 ngày sau mới có kết quả xét nghiệm. Khi chờ kết quả, gia đình chị Th. thấp thỏm lo âu.
Cả nhà chị vẫn test nhanh và các thành viên khác lần lượt dương tính và cũng được báo lấy mẫu PCR nhưng đến hiện tại sau 1 tuần chỉ con trai chị có kết quả PCR. Phường chỉ gửi tới quyết định cách ly, không có một thông báo hay thuốc, hướng dẫn nào khác.
Cả nhà chị Th. chờ đợi, gọi ra phường nhưng chỉ nhận được từ tự theo dõi. Mẹ chị Th. đã ngoài 60 tuổi nên chị có hỏi thuốc kháng virus thì chỉ nhận được câu chờ. Đã qua 1 tuần, chị Th. phải lên mạng tìm sự trợ giúp kết nối của các y bác sĩ với hi vọng phần nào giúp gia đình mình được theo dõi tốt hơn.
Nếu cứ dựa vào trạm y tế phường thì rất đáng lo. Chị Th. cho biết con trai chị sốt, còn chị và chồng thấy mệt mỏi. Mẹ chồng sức khỏe khá hơn nhưng vì mới tiêm được 1 mũi nên chị cũng rất lo.
Ảnh minh hoạ.
Không riêng gì chị Th. chị Nguyễn Xuân P. (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, khi hai vợ chồng cùng trở thành F0 thì hai con nhỏ vẫn âm tính. Vợ chồng chị vô cùng lo lắng nhưng gọi điện lên phường vẫn chỉ nhận được câu tự theo dõi, thậm chí không có thuốc gì được phát tới F0, hoàn toàn không có tư vấn dùng thuốc hay tư vấn tâm lý. Sau đó chị P phải tự lên mạng tìm bác sĩ online hỗ trợ.
Sau khi nhờ tư vấn và được bác sĩ phân tích, các con nguy cơ nhiễm rất cao, không nên đưa về ông bà, vợ chồng chị giữ 2 con ở lại và 2 ngày sau, các cháu đều xét nghiệm nhanh dương tính. Nếu không nhờ bác sĩ online chắc chị P đã đưa con về bố mẹ mình thì nguy cơ lây lan sẽ lớn hơn.
Chị P cho rằng các cơ sở y tế nói người dân không nên chữa bệnh trên mạng nhưng khi đứng trước hoàn cảnh đó thì một bác sĩ có thể tư vấn online hoàn toàn tốt.
BS. Trần Quang Phú, công tác tại Khoa trị bỏng người lớn, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, cho biết mỗi ngày anh tư vấn khoảng 30 - 50 cuộc gọi bao gồm cả Zalo, Facebook, điện thoại… Trong đó, không ít gia đình quá nửa thành viên hoặc cả nhà cùng nhiễm Covid-19.
BS Phú cho biết có nhiều tình huống F0 có biểu hiện hoang mang, lo lắng bác sĩ phải tư vấn về tâm lý cho người bệnh để họ bớt hoang mang. Đặc biệt là việc theo dõi dùng thuốc của người bệnh phải đúng. Việc F0 được tiếp cận y tế càng sớm càng tốt sẽ mang lại hiệu quả trong điều trị, ổn định tâm lý.
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc BV Phổi Trung ương, việc kiểm soát sớm người bệnh từ những tầng điều trị ban đầu có ý nghĩa quan trọng để xử trí sớm, giảm tử vong.
Người bệnh được theo dõi tại nhà sẽ tốt hơn rất nhiều so với gom vào cách ly tập trung nhưng làm thế nào để hỗ trợ họ cũng rất quan trọng. PGS Nhung cho rằng Thành phố Hà Nội hiện nay cần nhanh chóng có các tổ y tế lưu động hỗ trợ F0. So với giai đoạn tại TP.HCM không nguy cơ bằng nhưng nếu F0 ít được quan tâm thì khi trở nặng sẽ khó tiếp cận được với cơ sở y tế.
Điều trị Covid-19 không chỉ điều trị triệu chứng mà còn các tư vấn như tư vấn tâm lý, dinh dưỡng, tập luyện như thế nào cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà… xây dựng mô hình điểm về y tế cộng đồng là cách tốt nhất giảm tải cho tuyến trên. Không nên thả nổi người bệnh lên mạng tìm kiếm các đơn thuốc tự điều trị ngay kể cả việc sử dụng gói thuốc A, B như thế nào cũng cần giám sát thật kỹ.