Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Nhân viên y tế kiểm tra phiếu khai báo y tế của hành khách trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Ảnh: TTXVN)
Đối với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron, bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này, bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc COVID-19 trước đó.
Đây là nội dung Kế hoạch số 310/KH-UBND về việc ứng phó với biến chủng mới của virust SARS-CoV-2 (chủng Omicron) do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 27/12.
Tăng cường giám sát người nhập cảnh
Theo đánh giá, hiện số ca nhiễm Omicron đang gia tăng tại nhiều nước trên thế giới và hiện đã có ít nhất 78 quốc gia báo cáo ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng này, nhiều nước đã nhanh chóng siết chặt các quy định về đi lại quốc tế để giảm thiểu nguy cơ biến thể xâm nhập.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định, đây là biến thể đáng lo ngại vì một số báo cáo ở Nam Phi cho thấy, tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể mới này. Tuy nhiên, cần xem xét và đánh giá tiếp tục xem biến thể Omicron có vượt qua Delta để trở thành biến thể chiếm ưu thế trong thời gian tới.
Nhiều khả năng biến thể Omicron sẽ lây lan ở mức độ toàn cầu. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục thu thập dữ liệu về khả năng lây truyền, sự đáp ứng của vaccine và tình trạng bệnh nếu nhiễm Omicron.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập; phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Theo đó, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tổ chức giám sát người nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Tăng cường giám sát, phát hiện và tổ chức cách ly kịp thời các trường hợp người nhập cảnh có triệu chứng sốt, ho, đặc biệt là các hành khách hoặc chuyến bay đến/về từ các quốc gia ghi nhận ca bệnh mắc biến chủng Omicron.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế, đặc biệt, yêu cầu hành khách nhập cảnh phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ khi nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường việc kiểm soát giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính, việc khai báo y tế của hành khách nhập cảnh.
Nhà chức trách sẽ tăng cường rà soát các hành khách nhập cảnh có tiền sử đến/về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswwatini, Lesotho, Mozambique…).
Thành phố lưu ý tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Triển khai vaccine liều bổ sung ngay từ tháng 12/2021
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát, quản lý, theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh, người lao động về lưu trú tại địa phương, đặc biệt là người trở về từ các quốc gia đã ghi nhận sự có mặt của biến chủng Omicron.
Cùng với đó, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, giảm hoặc mất vị giác/khứu giác, khó thở để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố dịch tễ là người nhập cảnh hoặc thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đề nghị tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại các cơ sở y tế, trong cộng đồng, tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt các trường hợp có liên quan người nhập cảnh. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh trái phép để tiến hành cách ly kiểm dịch, xét nghiệm theo quy định.
Hà Nội yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thể Omicron bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gen S trong các mẫu xét nghiệm gen RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2.
Lựa chọn ngẫu nhiên hoặc có chủ đích dựa vào kết quả điều tra dịch tễ các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 để làm xét nghiệm giải trình tự gen đối với bệnh nhân trong 3 nhóm sau: Người nhập cảnh trong vòng 28 ngày, đặc biệt là người đi đến/về từ các nước đã ghi nhận biến chủng Omicron; người tái nhiễm COVID-19 (có xét nghiệm RT-PCR dương tính sau 2 tháng khỏi bệnh); bệnh nhân trong các ổ dịch phức tạp có số mắc cao.
Ngoài ra, có thể tổ chức giám sát ngẫu nhiên một số trường hợp nghi ngờ khác tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới.
Cũng theo kế hoạch, Hà Nội yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, nhắc lại ngay từ tháng 12/2021 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên các đối tượng nguy cơ.
'Tiếp tục rà soát trên địa bàn để vận động và tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho những người chưa tiêm đầy đủ, nhất là những người lớn tuổi, có bệnh lý nền,' lãnh đạo thành phố lưu ý.
Khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại thành phố, các đơn vị tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến thể Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với người tiếp xúc gần (F1). Cùng với đó, theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, tử vong....
Lãnh đạo thành phố giao Sở Y tế chuẩn bị các phương án sẵn sàng triển khai giường bệnh để thu dung điều trị người bệnh tầng 2, tầng 3 trong tình huống dịch bệnh tiếp tục gia tăng nhanh.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học, phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện vệ sinh môi trường khử khuẩn, chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch khi học sinh trở lại đi học trực tiếp./.