Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Khi trẻ em bị bạo hành bởi chính người thân trong gia đình
Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua đã xảy ra các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em một cách dã man. Đó là vụ bé gái 8 tuổi bị nhân tình của cha bạo hành đến tử vong hay gần đây là vụ bé gái 3 tuổi nhập viện với 9 chiếc đinh găm vào hộp sọ.
Thật phẫn nộ trước sự độc ác, tàn nhẫn mà các nghi phạm gây ra cho nạn nhân - những đứa trẻ yếu thế, không có khả năng phản kháng. Đáng tiếc, những vụ việc như thế đang có xu hướng tăng lên. Điều đó khiến tất cả chúng ta phải đặt ra câu hỏi tại sao và làm sao để ngăn chặn được việc bạo hành, xâm hại trẻ em?
Những vết bầm tím do bạo hành trên thi thể của bé gái 8 tuổi bị nhân tình của cha bạo hành đến tử vong
Ảnh chụp X-quang của bé gái 3 tuổi nhập viện với 9 chiếc đinh găm vào hộp sọ
Tại tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các tư vấn viên nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng - chủ yếu liên quan đến bạo lực trẻ em trong các gia đình; cả đánh đập và bạo hành tinh thần. Nhưng trong năm 2021, thời gian nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 - 50.000 cuộc mỗi tháng. Một nửa số cuộc gọi đến đường dây nóng là trẻ em từ 11-18 tuổi.
Có những cuộc gọi trong đêm khẩn cấp bạo hành đang xảy ra, các tư vấn viên sẽ gọi ngay cho công an tại địa phương.
Theo các nhà quản lý và chuyên gia, bạo hành trẻ em đang trở lên đáng báo động, với mức độ ngày một nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo hành thường ngay trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Và chính người thân, bố, mẹ, bố dượng, mẹ kế là những người bạo hành đối với trẻ em.
Theo các chuyên gia, chỉ cần có một tấm lòng thật tâm yêu trẻ, một ý thức trách nhiệm công dân… sẽ không khó để nhận ra trẻ cần được cứu trước khi quá muộn.
Ở các vụ án đã xảy ra, xếp sau kẻ trực tiếp gây tội ác về mặt trách nhiệm, chính là người thân của các em, rồi đến hàng xóm, giáo viên…
Bạo hành gia tăng nhưng trước đây là nhiều vụ việc ở ngoài gia đình nhưng nay nhưng nay những vụ việc xảy ra trong gia đình lại ngày càng nhiều hơn. Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân.
Mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm"
Nói về những vụ việc bạo hành dã man trẻ em thời gian qua, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chia sẻ trong chương trình Sự kiện bình luận: "Sự tàn ác trong các vụ việc hành hạ trẻ em thời gian qua vượt qua sự tưởng tượng tồi tệ nhất của bất kỳ ai, làm cho tất cả người đều rất bức xúc. Có những nguyên nhân sâu xa chúng ta phải tìm ra từ góc độ xã hội, tâm lý, giáo dục. Nếu xét về góc độ xã hội, tôi nghĩ rằng chúng ta đã quá đầu tư, quá mải mê cho việc tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua những yếu tố xã hội, bỏ qua yếu tố con người, để giáo dục con người thực sự có kỹ năng sống, có đủ phẩm chất để đương đầu với những thay đổi xã hội đang diễn ra rất nhanh. Có những người luôn tìm cách giải tỏa những bức xúc của mình lên những người yếu thế nhất và rất đáng buồn, trẻ em lại chính là đối tượng để người lớn trút lên tất cả những sự căng thẳng của mình".
"Câu chuyện bạo lực trong gia đình với trẻ em trong thời gian vừa qua, tôi nghĩ bắt nguồn từ việc thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức về mặt pháp luật, thiếu kỹ năng sống để có thể điều chỉnh, điều hòa những cảm xúc của mình. Chúng ta đã bỏ bê tất cả những yếu tố đấy và dẫn đến kết cục ngày hôm nay khi những người trả giá chính là con em của chúng ta" – bà Hồng phân tích.
2 người chị bé gái 3 tuổi ngây thơ chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với em gái
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm, những câu chuyện ở trên báo chí, mạng xã hội chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
"Nếu các quý vị tiếp cận những câu chuyện mà chúng tôi không thể chia sẻ được bởi liên quan đến bí mật đời tư của mỗi gia đình, mỗi trẻ em thì sẽ thấy mức độ nghiêm trọng. Phần chìm của tảng băng còn ghê gớm hơn rất nhiều" – ông Nam chia sẻ.
Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của người lớn. Trước hết là trách nhiệm của cha mẹ, người thân trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, những người hàng xóm xung quanh trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì không có khả năng tố cáo, lên tiếng, không có khả năng phản kháng, thoát khỏi những sự chà đạp, những bạo lực, đặc biệt trong môi trường gia đình.
"Chúng ta phải nhấn mạnh trách nhiệm xã hội, pháp luật của những người xung quanh các em. Giải pháp là lên tiếng, tố cáo mọi hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là trong môi trường gia đình. Chính những người thân trong gia đình cũng phải lên tiếng. Khi sự việc xảy ra gần đây, chúng ta đã xử lý, xét xử, can thiệp, trừng phạt khá nghiêm khắc, kịp thời bởi các cơ quan luật. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nói về giải pháp cấp bách và dài hơi hơn bởi những thiết chế bởi những trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức, các cá nhân, chính quyền địa phương liên quan đến việc phòng chống và xâm hại trẻ em nói chung và phòng chống bạo lực trẻ em ở trong gia đình nói riêng" - ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Vẫn còn sự thờ ơ, ngang nhiên tiếp tay bạo hành trẻ em
Tổng thể, chúng ta đã có đầy đủ từ quy định của Hiến pháp 2013 có riêng một điều về quyền trẻ em và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội; đủ văn bản luật pháp, đầy đủ cơ quan, bộ ngành, có nhiều ban bệ được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ Trung ương đến tận cơ sở và cả một đường dây điện thoại quốc gia… Nhưng quy định pháp luật sẽ không thể hiệu quả nếu thiếu sự quan tâm và chung tay của tất cả chúng ta.
Đã có quy định về trách nhiệm trình báo của mỗi cá nhân khi chứng kiến, hoặc nghi ngờ về nguy cơ bị bạo hành, xâm hại của trẻ. Bốn đầu mối tiếp nhận thông tin gồm: Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, và cơ quan LÐ-TB&XH các cấp. Tuy nhiên, người dân còn tâm lý e ngại khi cung cấp thông tin các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em.
Ở nhiều nước không chỉ người thực hiện hành vi bạo hành với trẻ em mới bị chịu trách nhiệm trước pháp luật mà ngay cả những người xung quanh cũng có thể phải chịu liên đới về điều này.
Không chỉ thờ ơ mà còn ngang nhiên. Không khó để mua được những chiếc roi để đánh phạt trẻ. Khi thử tìm "roi mây" ở trên mạng, trong vòng 1 giây đã ra vài nghìn kết quả trên Google và một loạt các cửa hàng thương mại điện tử có bán. Phía dưới là những dòng đánh giá chất lượng sản phẩm sống động và chân thực: "Roi hơi ngắn nhưng là mây xịn. Đánh phát nào chắc phát đó" hay "Roi chất lượng nhưng vẫn hơi to, bé tí nữa đánh mới thấm được".
Những vụ bạo hành trẻ em không chỉ khiến cho các bé bị đau đớn về thể chất, mà còn để lại di chứng nặng nề về tinh thần. Điều đáng nói là những vết sẹo tâm hồn này không dễ chữa lành và có thể theo trẻ suốt cuộc đời.
Từ những hành vi được coi là thương cho roi cho vọt đến bán roi mây ngang nhiên và công khai trên mạng cho thấy cái gốc của nạn bạo hành đã âm rất lâu lúc nào cũng có thể trở thành những vụ việc bạo hành trẻ em. Vết sẹo do những đòn roi ấy sẽ lành, nhưng những vết sẹo trong tâm hồn, sự ám ảnh, sẽ còn tồn tại mãi và cả những trận đòn roi không thể nào lành khiến nhiều trẻ em đã mất đi cuộc sống.
Không có lý lẽ nào có thể biện minh cho hành động đó, không thể có sự chấp nhận nào cho những gì đã xảy ra. Chính vì thế, chỉ khi mỗi người chúng ta nhận thức trách nhiệm ngăn chặn nạn bảo hành trẻ em đó là của chính mình. Một tiếng kêu cứu của trẻ em ở bất cứ đâu cũng là việc của tất cả chúng ta. Dĩ nhiên khi bảo vệ trẻ em không chỉ bằng khẩu hiệu thì cơ chế bảo vệ trẻ em cũng không thể là hình thức.