Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Từ tháng 5/2021 - 11/2021, 160 cán bộ, công nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y học cổ truyền Việt Nam) bị nợ 50% số lương, riêng tháng 12/2021, theo các y bác sĩ ở đây thì họ vẫn chưa nhận được đồng lương nào. Theo các giao ban mới nhất, Bệnh viện Tuệ Tĩnh hiện không có khả năng chi trả lương tháng 1 cho cán bộ công nhân viên bệnh viện.
Vào 16h15 chiều (13/1), một cuộc họp nội bộ giữa những người bị nợ lương và ban giám đốc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam được triệu tập, theo đó, Học viện sẽ cho bệnh viện vay để trả 50% lương tháng 12 và tháng 1, công đoàn sẽ hỗ trợ mỗi người 2.5 triệu từ các nguồn của các quỹ các nhà hảo tâm. Bức xúc với nội dung cuộc họp, nhiều cán bộ, nhân viên bệnh viện đã bở dở cuộc họp và tiếp tục ra cổng bệnh viện biểu tình ngày thứ ba liên tiếp.
"Chúng tôi lao động, cống hiến, nhiều người còn xung phong tham gia tuyến đầu phòng dịch, có khuyết tật đâu mà phải nhận hỗ trợ?" - Nhiều y bác sĩ bày tỏ bức xúc và cho rằng nội dung cuộc họp đã xúc phạm lòng tự trọng của mình.
Việc bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ nguồn tài chính từ tháng 1/2019 đã làm nảy sinh hiện tượng mà cán bộ, công nhân viên bệnh viện gọi là "một cơ quan hai chế độ": lãnh đạo bệnh viện hưởng lương của Học viện Y học cổ truyền, còn cán bộ, công nhân viên ký hợp đồng với bệnh viện Tuệ Tĩnh lại nhận lương từ bệnh viện.
Các y bác sĩ xuống đường đòi lương.
Thực tế cay đắng của y bác sĩ bệnh viện Tuệ Tĩnh: hành nghề "cứu người", nay lại phải "cầu cứu" dư luận
Chị Nguyễn Thị Thu Hường làm việc tại khoa Thăm dò chức năng từ năm 2007, hiện mang thai 8 tháng - trùng với thời gian nợ lương của bệnh viện. "2 triệu mấy thậm chí còn không đủ tiền dưỡng thai chứ chưa nói đến lo cho các bạn nhỏ ở nhà và bố mẹ nữa. Một mình chồng tôi làm sao đủ cáng đáng", chị Hường chia sẻ với PV: "Ngoài giờ đi làm vẫn phải bán hàng online, đơn hàng 20.000đ cũng vẫn phải đi ship. Cuộc sống gia đình tôi giờ khó khăn lắm!".
Chị Phạm Thị Hằng (nhân viên khoa Châm cứu) công tác tại bệnh viện từ năm 2005. Chồng chị là lao động tự do nên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cộng thêm việc chị bị nợ lương khiến cho mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều bị thắt chặt, thậm chí phải vay thêm của bố mẹ và anh chị em để trang trải cuộc sống.
Chị Lê Thanh Bình (Tổ trưởng tổ Công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư lên lãnh đạo Học viện, khi Học viện không thể giải quyết được, chúng tôi đã gửi đơn thư lên Bộ Y Tế và các cấp cao hơn. Đỉnh điểm là vào tháng 11 khi vụ việc nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đã có cuộc họp ngày 19/11 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban giám đốc Học viện, và họ đã nói sẽ xin công văn hỗ trợ 10 tỷ 2 từ Bộ Tài chính về cho đơn vị. Thế nhưng từ thời điểm đó đến giờ chúng tôi chưa nhận thấy một phương án giải quyết nào cụ thể, mà tình trạng còn tồi tệ hơn khi tháng 12 chúng tôi không nhận được đồng lương nào, và tương lai tháng 1 cũng không có nguồn tiền chi trả."
"Đứng thế này xấu hổ lắm, nhưng anh chị em trong bệnh viện đều lâm vào bước đường cùng rồi, không thể làm gì khác được." - một nhân viên bệnh viện chia sẻ.
“Chúng tôi phải được nhận những đồng lương chính đáng mà chúng tôi đã đóng góp cho đơn vị trong suốt thời gian qua. Mong các cấp có thẩm quyền sẽ làm rõ vấn đề 160 cán bộ bệnh viện Tuệ Tĩnh sẽ ra sao sau khi giải quyết vụ việc nợ lương, tương lai của chúng tôi sẽ ra sao và Bệnh viện Tuệ Tĩnh ở vị trí nào so với Học viện Y học cổ truyền Việt Nam." - Một bác sĩ chia sẻ.