Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Chuyện cấm đốt pháo nổ chắc chắn nhiều người cũng đã nắm được quy định này nhưng không phải ai cũng tuân thủ, cũng vì thế VTV đã liên tục cảnh báo về tình trạng buôn lậu, sử dụng pháo trái phép và những chấn thương do pháo nổ. Ở thời điểm hiện tại, không quá khó để mua được các loại pháo đã bị cấm.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên trên các tuyến phố có truyền thống bán pháo lậu tình hình mua bán khá là im ắng. Khi được hỏi mua pháo, người bán hàng cũng rất dè dặt. Khác với mọi năm, loại pháo nào cũng có thể mua được thì năm nay họ chỉ bán những loại pháo bông ngắn.
Trái ngược với thị trường truyền thống, trên các trang mạng xã hội, 'bánh kẹo' được rao bán công khai với số lượng lớn. Bánh kẹo có nghĩa là pháo. Người có nhu cầu có thể mua bất cứ loại pháo nào mà không cần đặt cọc. Đa phần các đối tượng rao bán pháo lậu qua mạng đều sử dụng các tài khoản Facebook ẩn danh hoặc các tài khoản mạng xã hội Zalo không có thông tin chính xác để hoạt động.
Trên các trang mạng xã hội, pháo được rao bán công khai với số lượng lớn
Đáng lo ngại, đa phần các loại pháo được các đối tượng đăng tải hình ảnh, rao bán trên mạng đều có xuất xứ từ Trung Quốc với lượng thuốc nổ kích nổ cao, dễ gây sát thương.
Còn tại Quảng Trị, thời điểm gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu pháo nổ trên tuyến biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Nếu không được ngăn chặn, xử lý nghiêm, mặt hàng cấm này sẽ không chỉ là mối đe dọa đến tính mạng và tài sản của cộng đồng, mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật của các đối tượng buôn lậu và sự bất lực của lực lượng chức năng.
Càng đến gần Tết Nguyên đán, tình trạng vận chuyển pháo lậu sẽ diễn ra phức tạp. Trong 3 tháng cuối năm 2021, lực lượng chức năng ở Quảng Trị đã bắt giữ trên 20 vụ, 20 đối tượng, thu giữ trên 1.200kg pháo.
Từ nay cho đến Tết Nguyên đán, các đối tượng vận chuyển pháo sẽ còn manh động và liều lĩnh hơn. Điều này tạo nên mối hiểm nguy, đe dọa đến tính mạng, tài sản của mọi người. Để đấu tranh với các đối tượng buôn lậu pháo giai đoạn cuối năm, lực lượng chức năng phải triển khai nhiều giải pháp, để ngăn chặn tình trạng, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ trái phép.
Trong các đợt cao điểm truy quét các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo lậu, lực lượng chức năng các tỉnh, nhất là các địa phương giáp đường biên giới đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo hoa, pháo nổ trái phép với số lượng lớn.
Vừa qua, cục Quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện trên một xe ô tô có chứa 71 kg pháo nổ các loại do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số pháo nổ trên. Đội Quản lý thị trường số 11 đã tiến hành lập biên bản chuyển giao toàn bộ số pháo, phương tiện và lái xe cho cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn tại tỉnh Hải Dương, Công an TP Chí Linh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tang đối tượng Đặng Anh Quân sinh năm 2003. Trước đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Quân đang thực hiện hành vi buôn bán pháo nổ. Tang vật thu giữ là 11,2kg pháo. Tiến hành khám xét nơi ở của Quân Cơ quan điều tra thu giữ thêm 6 thùng giấy bên trong có chứa nhiều khối hình trụ có dán giấy màu khác nhau với tổng trọng lượng là 100,4kg. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng khai nhận tất cả đều là pháo mua về để bán kiếm lời.
Nghị định 137 có quy định mới cho phép tổ chức cá nhân sử dụng pháo hoa. Nhưng chúng ta cần hiểu đúng loại pháo hoa hợp pháp, là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người.