Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Đối tượng Sơn (áo đen) tại cơ quan điều tra.
Sự bùng nổ của mạng xã hội đã trở thành 'mảnh đất màu mỡ' để các loại tội phạm sử dụng công nghệ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực. Tại TP Đà Nẵng, ngay khi vừa mới thành lập, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an thành phố đã bắt tay ngay vào việc, ngăn chặn thành công 1 đối tượng sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân trên địa bàn. Vụ việc được làm rõ tiếp tục là lời cảnh tỉnh cho mọi người tránh rơi vào bẫy lừa của các đối tượng.
Cụ thể, sau Tết, Công an TP Đà Nẵng nhận được nhiều nguồn tin trình báo của các bị hại về việc bị một đối tượng trên mạng xã hội lừa đảo, chiếm đoạt số tiền bảo hiểm khoản vay. Mặc dù mới thành lập nhưng những cán bộ chiến sỹ của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP đã bắt tay ngay vào việc truy xét và làm rõ vụ việc. Khó khăn lớn nhất đặt ra lúc này là mọi hoạt động giao dịch đều diễn ra trên không gian mạng, khi đã lấy được tiền thì mọi liên lạc đều bị cắt đứt.
Trao đổi về vụ việc, Thượng tá Lê Cao Tâm – Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Đà Nẵng cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã phát hiện được vị trí cũng như xác định được đối tượng nên tiến hành mời lên làm việc. Bằng những cơ sở chứng cứ đã thu thập trước đó, thì đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Khai nhận với cơ quan Công an, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2021, đối tượng Phạm Văn Sơn (35 tuổi) quê tỉnh Hải Dương, tạm trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã sử dụng sim rác, tạo các tài khoản trên mạng xã hội với nhiều tên gọi khác nhau để đăng tải trên các hội nhóm về việc cho vay tiền thủ tục đơn giản và không cần thế chấp. Nhiều bị hại liên hệ và được Sơn yêu cầu chuyển tiền phí bảo hiểm khoản vay. Sau khi được bị hại tin tưởng chuyển tiền thì Sơn cũng biến mất. Tính đến thời điểm bị phát hiện, Sơn đã chiếm đoạt của hơn 60 bị hại ở TP Đà Nẵng và các địa phương khác số tiền hàng trăm triệu đồng. Đáng nói hơn, chính Sơn cũng là nạn nhân của thủ đoạn nói trên nên dùng đúng cách này để lừa lại nhiều người dân có nhu cầu vay vốn.
Khai với cơ quan điều tra, đối tượng Sơn cho hay: 'Tháng 3-2021, em có nhu cầu vay tiền nên cũng lên mạng tìm số điện thoại và họ cũng bảo em ra Viettel nộp. Em cũng bị mất hơn chục triệu. Vào dịch, em lại không có việc. Hai nữa là thu nhập cũng không có nên em cũng có nảy sinh ý định như vậy để em lừa người khác'
Thực tế cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đòi hỏi công tác đấu tranh cần có sự nghiên cứu và am hiểu chuyên sâu. Tại TP Đà Nẵng, trong thời điểm 'thích ứng linh hoạt', vẫn tồn tại tình trạng người dân cần vốn làm ăn, tin vào vào chiêu trò vay được nhiều mà không cần thế chấp. Và biết bao bẫy lừa cứ lơ lửng, giăng sẵn trên không gian mạng, chỉ chờ bị hại sập bẫy.
Từ câu chuyện trên, Thượng tá Lê Cao Tâm cũng đề nghị người dân khi thực hiện các nhu cầu vay vốn thì đến các cơ quan Nhà nước, các tổ chức tín dụng đang hoạt động. Tránh trường hợp vay mượn qua mạng, để phát sinh các trường hợp tội phạm, gây thiệt hại cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh các biện pháp ngăn chặn, xử lý quyết liệt tội phạm sử dụng công nghệ cao của các lực lượng chức năng, người dân cần luôn tỉnh táo, tìm hiểu, xác minh kỹ các thông tin để tránh tiền mất, tật mang; góp phần chặn đứng loại tội phạm 'tàng hình' trên không gian mạng.