Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Liên quan đến vụ việc bé gái Đỗ N.A. (3 tuổi, ở Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội) bị hôn mê, có 9 dị vật trong đầu, nghi là đinh, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận hồ sơ ban đầu. Theo đó, Đội Điều tra trọng án - Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận hồ sơ từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Thạch Thất. Hiện nay, cơ quan điều tra đang khẩn trương vào cuộc làm rõ vụ việc.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: 'Thông tin này quá sốc với nhiều người, nếu kết quả xác minh đúng là những chiếc đinh đã đâm vào đầu cháu bé ở nhiều phía khác nhau như vậy thì chắc chắn là có tác động ngoại lực, chứ không phải là một vụ tai nạn. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, để tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật'.
Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường.
Vị chuyên gia pháp lý phân tích: Nếu là một chiếc đinh kim loại hoặc một dị vật thì có thể là do tai nạn hoặc một nguyên nhân nào đó. Còn nếu là rất nhiều chiếc đinh kim loại đâm vào từ nhiều phía thì chắc chắn không phải là tai nạn, không phải là ngẫu nhiên mà có sự tác động ngoại lực.
'Mặc dù mới 3 tuổi nhưng xương sọ của cháu bé cũng đã cứng chắc, để những chiếc đinh kim loại xuyên vào đó không dễ dàng chút nào và hành vi đó có thể đoạt mạng nạn nhân. Chỉ cần một chiếc đinh đâm xuyên hộp sọ là cũng có thể khiến nạn nhân tử vong. Bởi vậy, trong tình huống có căn cứ xác định dị vật là những chiếc đinh kim loại thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người', Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường nói.
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường: 'Trong tình huống này, cháu bé sống sót, thì đó quả là một điều diệu kỳ! Thông thường, chỉ cần tác động vào phần đầu, phần sọ bằng một vật tầy như cây gậy là có thể làm nạn nhân thiệt mạng. Nếu xuyên đinh kim loại vào đầu thì chỉ cần một chiếc là có thể khiến nạn nhân thiệt mạng.
Đối tượng nào mà xuyên nhiều chiếc đinh vào đầu cháu bé nhưng cháu bé vẫn không tử vong là do may mắn, ngoài ý chí chủ quan của đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm đối với cháu bé. Bởi vậy, hành vi xuyên đinh kim loại vào đầu cháu bé (nếu có) dù vì bất cứ lý do gì thì đó là hành vi giết người, hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người'.
Hình ảnh chụp sọ bé A. 3 tuổi.
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường: Trường hợp xác định các dị vật là những chiếc đinh kim loại thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự. Sau khi khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra để xác định ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi tác động để những chiếc đinh đó xuyên vào đầu cháu bé.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành lấy lời khai của những người trực tiếp chăm sóc cháu bé, những người thường xuyên tiếp cận với cháu bé để làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, sẽ làm rõ những mâu thuẫn của cha, mẹ cháu bé và những người khác có liên quan.
Trong trường hợp xác định có người đã đóng đinh vào đầu cháu bé thì sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của hành vi, làm rõ khả năng nhận thức điều khiển hành vi của người này. Nếu với một người không bị bệnh tâm thần mà thực hiện một hành vi ghê rơn như vậy thì con người này quá độc ác, tàn nhẫn, mất hết tính người.
Trường hợp xử lý về tội giết người thì đối tượng phạm tội sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ, thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ, nên hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi là người tâm thần, làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi thì sẽ không xử lý hình sự nhưng sẽ bị bắt buộc chữa bệnh. Tuy nhiên, tình huống này sẽ ít khi xảy ra bởi một đứa trẻ 3 tuổi không thể giao cho người tâm thần chăm sóc. Sẽ cần làm rõ cha đẻ, mẹ đẻ của cháu bé là ai, đang ở đâu, họ đã thực hiện trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng cháu bé này như thế nào để xem xét trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng cháu bé này theo quy định pháp luật.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường nhấn mạnh: 'Sự việc này chắc chắn phải diễn ra trong một quá trình, cháu bé sẽ đau đớn, vật vã trong một thời gian rất dài nên những người xung quanh hoàn toàn có thể biết sự việc. Bởi vậy, trong trường hợp đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi giết người bị xử lý hình sự, nhưng người biết sự việc mà không trình báo với cơ quan chức năng cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm...'.