Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Theo thông báo mới nhất của Sở GDĐT Hà Nội, từ hôm nay, 4/1, học sinh lớp 9 và lớp 12 tại 10 đơn vị cấp quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có mức độ dịch cấp độ 3 chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến.
Đáng chú ý, sau 3 tuần liên tục ở cấp độ 3, quận Đống Đa đã xuống cấp độ 2. Như vậy, học sinh lớp 12 quận Đống Đa được trở lại trường ngay sau dịp nghỉ Tết Dương lịch.
Xáo trộn tâm lý
Sau 3 tuần liên tục ở cấp độ 3, quận Đống Đa đã xuống cấp độ 2. So với trước đó, quận Thanh Xuân, Thanh Trì, Gia Lâm tăng lên mức độ 3. Ngoài ra, còn có 111 xã, phường của TP Hà Nội có mức độ dịch cấp độ 3.
Như vây, quận Đống Đa đủ điều kiện tổ chức cho cho sinh lớp 12 đi học trực tiếp; còn học sinh lớp 12 tại quận Thanh Xuân và học sinh lớp 9, lớp 12 tại huyện Thanh Trì, Gia Lâm chuyển học trực tuyến hoàn toàn từ 4/1.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ( Hà Nội) chia ca học trực tiếp luân phiên các buổi trong tuần.
Trường học liên tục đóng cửa rồi lại mở cửa và ngược lại ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh và giáo viên. Hai năm học trực tuyến, em Nguyễn Quang Thắng, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cùng các bạn đã quen dần với phương thức học tập này.
Thế nhưng, Thắng chia sẻ: 'Những thay đổi liên tục, từ học trực tuyến sang trực tiếp rồi lại trực tuyến khiến chúng em bị xáo trộn thời gian. Em phải sắp xếp lại thời gian học tập sao cho hợp lý hơn'.
Chị Nguyễn Phương Liên, phụ huynh học sinh Lê Thế Anh, lớp 12A1, Trường THPT Quang Trung - Đống Đa cho hay, dù đã quen với việc học online nhưng khi phương án mở cửa trường học thay đổi liên tục cũng khiến 2 mẹ con phải sắp xếp lại thời gian biểu và có kế hoạch học và ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, hai năm nay, giáo viên và học sinh đã chủ động hơn trong phương án dạy và học. Nhiều giáo viên chia sẻ rằng, họ không bị động trước các phương án đóng hay mở cửa trường học như trước đây.
Tuy nhiên, việc đi học trực tiếp vào thời điểm này theo cô Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), học sinh có thể đến lớp không đủ 100%. Thế nên, dù dạy trực tiếp, giáo viên vẫn cần dạy cả trực tuyến đối với học sinh không thể đến trường.
Cô Hạnh cho biết, để bảo đảm chất lượng dạy học, giáo viên phải nỗ lực gấp đôi, vừa dạy trực tiếp, vừa quan tâm tới học sinh học trực tuyến.
Với cương vị là phụ huynh có con học năm nay học lớp 12, cô Hạnh cũng bày tỏ: 'Tôi rất lo lắng khi cho con đến trường học trực tiếp thời điểm này. Số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vẫn liên tục tăng. Con có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào'.
Không nên e ngại mở cửa trường học
Đánh giá về cách thức tổ chức dạy học thích ứng với cấp độ dịch Covid-19 của Sở GDĐT Hà Nội, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam cho rằng, giải pháp của Sở đưa ra là hợp lý nhưng cách làm còn bị động, chưa hợp lý.
Theo TS Khuyến, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nước ta đã hơn 2 năm qua nên đến thời điểm này, chúng ta có đủ kinh nghiệm để đối phó với dịch.
Vì vậy, trong điều kiện dịch bệnh, việc chuyển đổi phương thức dạy học giữa trực tiếp và trực tuyến phải linh hoạt, nhanh chóng, tùy theo cấp độ dịch. Nếu chuyển đổi chậm chạp sẽ ảnh hưởng tâm lý, chất lượng học tập của học sinh.
Cũng theo TS Khuyến, việc kết hợp cả hai hình thức dạy học phải có kế hoạch sẵn sàng. Dạy học trực tiếp hay trực tuyến khác nhau về phương thức dạy nhưng không có nghĩa là ngừng học. Thế nên, chương trình học phải nhất quán.
Học sinh Trường THPT Quang Trung - Đống Đa trong ngày tiêm vaccine Covid-19.
'Dịch bệnh ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực, không riêng ngành giáo dục. Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận đối phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh. Không riêng Sở GDĐT Hà Nội, Bộ GDĐT cần có chỉ đạo, nhất quán chương trình dạy học.
Học trực tuyến không có nghĩa là chỉ học qua internet mà cần phải đẩy mạnh kết hợp cả dạy truyền hình mới đem lại hiệu quả, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Việc này, tôi cũng như nhiều chuyên gia đã nêu ra, nhắc đến nhiều lần nhưng tại sao đến thời điểm này, việc dạy học qua truyền hình vẫn còn phớt lờ?', TS Khuyến nêu quan điểm.
Dưới góc nhìn của chuyên gia y tế, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc liên tục thay đổi phương án mở cửa rồi lại đóng cửa trường học sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý học sinh và giáo viên, đặc biệt là học sinh cuối cấp.
PGS.TS Nga phân tích, hiện nay, học sinh đã tiêm vaccine Covid-19, cũng như người lớn đã tiêm và đã đi làm trở lại. Chúng ta cần linh hoạt, đổi mới để thích ứng với dịch bệnh trong điều kiện mới, chấp nhận sống chung và không e ngại trước dịch bệnh.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nga, học trực tuyến quá lâu khiến hiện nay có tình trạng học sinh và giáo viên lười đến trường học trực tiếp hơn là lo sợ dịch bệnh; vô hình chung tạo ra một sức ỳ lớn.
'Người đứng đầu các đơn vị đừng lo sợ trách nhiệm, cũng không nên quy trách nhiệm cho nhau dẫn tới quá thận trọng trong việc mở cửa trường học. Nếu lớp học có học sinh có triệu chứng bệnh thì cho cách ly, chuyển trạng thái dạy học riêng một lớp đó chứ không phải đóng cửa cả trường học. Nếu như vậy thì tiêm vaccine cho học sinh để làm gì?', PGS.TS Nga nêu quan điểm.