Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Học sinh dự lễ khai giảng năm học 2021-2022 theo hình thức truyền hình trực tiếp.
Vượt qua thách thức
Cũng giống như tất cả các ngành nghề và lĩnh vực khác, ngành giáo dục đã bắt buộc phải thích ứng với hoàn cảnh mới khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Trong đó, việc tổ chức dạy học trực tuyến bắt đầu sau khi dịch bệnh bùng phát, từ kỳ 2 năm học 2019 - 2020 cho đến tận bây giờ.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết mặc dù giữa các đợt dịch bùng phát, cũng có những giai đoạn học sinh được đến trường nhưng giải pháp dạy học trực tuyến vẫn được duy trì. Trong quá trình triển khai, ban đầu, Bộ GDĐT đã có các văn bản hướng dẫn (khi chưa có thông tư) để nhà trường thực hiện đảm bảo kết quả. Tinh thần là 'tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học', kết nối thầy trò trong suốt quá trình tạm dừng đến trường.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT, quy định tất cả những điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến, là cơ sở vững chắc để hoạt động này được tổ chức bài bản và bền vững.
Một số khó khăn được ghi nhận là cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu học trực tuyến và năng lực khai thác, sử dụng của thầy cô. Về phía học sinh, thiết bị, khả năng tự học của các em cũng là một thách thức với ngành giáo dục, nhất là những học sinh độ tuổi còn nhỏ.
Học sinh trong lớp học trực tuyến không phải chỉ ngồi nghe cô giảng như trên lớp học trực tiếp mà xung quanh đó còn là nhiều nhiệm vụ, nhiều hoạt động tương tác tích cực khác với ý nghĩa làm sao giảm tối đa thời gian cô giảng, trò nghe, chép… Đó cũng là nội dung của dạy học phát triển năng lực mà chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã hướng tới.
Thầy cô nỗ lực đổi mới
Một điểm sáng như Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận đó là trong khó khăn khi dạy học trực tuyến, các thầy cô vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, sáng tạo với tinh thần tận tâm, giúp chúng ta củng cố thêm niềm tin.
Sang 'năm Covid thứ 2', cả giáo viên và học sinh dường như đều đã chủ động hơn trong việc sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, nhanh chóng khắc phục được những vấn đề muôn thuở ở mùa học online trước như: Lỗi micro, lỗi camera, hay lỗi tạp âm bên ngoài… Mặc dù vẫn không thể tránh khỏi những lúc bị rớt mạng, cô nói trò không nghe rõ… nhưng nhìn chung cả thầy và trò đều đã thành thạo, nhuần nhuyễn hơn với các phần mềm công nghệ, những thao tác chụp ảnh, quay video, chia sẻ hình ảnh… cũng không còn bỡ ngỡ như hồi đầu.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng GDĐT huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chia sẻ, thầy và trò nơi đây đã làm quen với những tiết học qua màn hình máy tính, điện thoại. Khó khăn nhiều vô vàn nhưng từng thầy cô đều nỗ lực với những bài giảng điện tử để việc học trở nên hiệu quả hơn. Có những thầy, cô dù đã sắp về hưu nhưng chưa bao giờ ngần ngại trong việc đổi mới. Khi gặp khó khăn trong việc sử dụng các phần mềm dạy học thì chính các giáo viên trẻ là người hỗ trợ nhiệt tình để thầy cô làm quen và biến chúng trở thành công cụ hữu ích hỗ trợ tốt nhất cho việc truyền đạt kiến thức đến các em học sinh.
Mặc dù hiệu quả của việc học trực tuyến không thể so sánh với học trực tiếp nhưng rõ ràng, không thể 'ngồi im chờ hết dịch'. Học trực tuyến là giải pháp quan trọng để ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm học, sứ mệnh giáo dục học sinh tri thức, nhân cách làm người. Và đây cũng là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục nói chung khi xu hướng của thế giới là đẩy mạnh dạy học trực tuyến để người học có thể học ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào trong sự chủ động tiếp nhận tri thức, kỹ năng, từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời, thúc đẩy xã hội học tập.
Cô giáo Dương Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), người sáng lập nhóm 'Giáo viên sinh học sáng tạo' cho rằng, để dạy học trực tuyến hiệu quả, giáo viên cần phải 'làm chủ' tiết học: Trong giờ học trực tuyến, tình trạng rất phổ biến là thầy cô gọi không thấy trò đâu, bài tập giao nhưng học sinh không làm, học sinh vừa ăn vừa học, vào học muộn, thậm chí vừa mở nhạc, chơi game trong giờ. Giáo viên cần giữ được sự bình tĩnh, coi những lỗi trên của trò như 'nguyên liệu' trong quá trình dạy học, thực hiện tôn chỉ 'khen công khai, phê bình riêng tư'.
Học sinh học trực tuyến trong mùa dịch. Ảnh: V.Lê.
Tiếp tục những giải pháp bền vững
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết để phù hợp với tình hình dạy học trong điều kiện dịch bệnh, Bộ đã hai lần tinh giản chương trình, xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình.
Trong đó, dạy trực tuyến sẽ bám theo chương trình cốt lõi, củng cố và mở rộng thêm khi học sinh quay lại trường. 'Các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa vào nội dung cốt lõi, không phải bê nguyên xi chương trình bình thường bên ngoài vào dạy trực tuyến' - ông Sơn khẳng định.
Khi học sinh trở lại trường, câu chuyện tránh nhồi nhét kiến thức, không cấp tập đánh giá, kiểm tra mà ổn định tâm lý để học sinh không bị 'sốc' được Bộ GDĐT quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, phụ huynh còn kỳ vọng hơn nữa ở ngành giáo dục đó là không chỉ trang bị kiến thức mà còn giáo dục kỹ năng sống cần thiết cho học sinh để các em vững vàng lập thân, lập nghiệp sau này.
Trước mắt, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, vẫn còn khoảng 1,8 triệu học sinh không có thiết bị nào để học trực tuyến. Đây là trăn trở của không chỉ ngành giáo dục mà tất cả các cấp và toàn xã hội. Tháng 9 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chương trình 'Sóng và máy tính cho em' kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến.
Đây là hoạt động thiết thực để chia sẻ khó khăn với học sinh và với ngành giáo dục khi cả nước có hơn 16 triệu học sinh, hơn 30 ngàn trường trên khắp 63 tỉnh thành nên cần sự tham gia của các lực lượng xã hội để mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận giáo dục trong đại dịch, khi việc đến trường học trực tiếp bị gián đoạn. Bản thân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhiều lần đăng đàn đề nghị lãnh đạo các địa phương chia sẻ quan tâm tới vấn đề này, bởi một phần các cháu đang dần dần bỏ học vì không học được.
Tuy nhiên, vẫn còn những em học sinh chưa có khả năng tiếp cận, Bộ đã hướng dẫn địa phương, nhà trường thực hiện cách nào đấy để hỗ trợ học sinh. Ví dụ trường hợp dịch bệnh ở khu vực chưa quá căng thẳng, có thể chia thành nhóm học sinh để tương trợ lẫn nhau, dùng chung 1 màn hình cũng là giải pháp.
Nhiều nơi khó khăn, học sinh không có cách tiếp cận, thầy cô lặn lội đến từng gia đình đưa bài tập đến tận tay thầy cô. Quyết tâm không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ rơi trong giai đoạn khắc phục khó khăn vì dịch Covid-19 là những gì ngành giáo dục và toàn xã hội đang nỗ lực thực hiện.