Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Chào Mỹ Tâm, trong show âm nhạc trực tuyến của chị có những gì đặc biệt?
Điều đặc biệt chính là tôi (cười). Thật ra âm nhạc của anh Trí đã theo nhiều năm tháng, được nhiều thế hệ yêu thích. Đến tận bây giờ vẫn có nhiều bài hit và khán giả cũng cảm thấy người nhạc sĩ này lúc nào cũng ở đó. Đối với tôi, ngày xưa tôi đã nghe nhạc anh Đức Trí, thậm chí khán giả của tôi cũng thích tôi hát nhạc Đức Trí nhưng tôi chưa có cơ hội làm. Chuỗi đêm nhạc này tôi làm vì cảm thấy tôi sẽ được hát những bài tôi thích, hát những bài khán giả thích. Đó là điều tôi chờ đợi, hát những gì khác mình một chút để khán giả thấy thú vị, thoải mái hơn.
Chị có cảm thấy chị đang tạo nên một trào lưu mới cho năm 2022 không?
Tôi tự tin đây sẽ là trào lưu rất mới vì chưa ai dám liều như tôi, làm một chuỗi đêm nhạc online như vậy. Thật sự khán giả của tôi vẫn chưa quen với việc này, việc tải app, thanh toán qua mạng, phải làm sao để xem… Tôi đọc bình luận của khán giả cảm thấy rất thương. Bản thân tôi vẫn phải loay hoay với những chuyện đó và học hỏi rất nhiều để cập nhật, còn khán giả của tôi vì tôi phải đi mua cái này, phải tải app kia… Tôi cảm thấy mình mắc nợ các bạn rất nhiều. Khi tôi làm xong, tôi cảm thấy cái khó khăn nhất tôi đã trải qua rồi, tôi đã dám chơi, dám liều, khán giả cũng cùng tôi liều nên tôi nghĩ tôi đã mở ra một trào lưu mới. Khi tôi đã mạnh dạn rồi, mấy bạn khác, mấy em khác cứ thế mà làm, không phải sợ.
Nghệ sĩ làm show online cũng nhiều nhưng đa số làm free, còn giá vé của chị lần này lên đến 1 triệu đồng, khi làm chị có cân nhắc việc này không?
Thật ra các anh chị và các bạn khác đã làm online nhưng làm theo kiểu thu rồi mix, phát lên để gửi đến khán giả. Tôi cũng làm rồi, thậm chí mình livestream hát, chưa có show nào bán vé. Theo tôi biết trước đây, cũng có bạn làm như tôi nhưng mô hình khác hoặc chưa được rộng rãi lắm. Còn tôi làm như một đêm nhạc live, như xem tại phòng trà. Khác biệt ở đây là phòng trà phải đặt vé từ 300 ngàn đồng đến 2 triệu đồng. Lần đầu tiên tôi làm, giá vé chỉ 150 ngàn đồng và tất cả mọi người đều xem được như nhau.
Điều thứ hai, vé 1 triệu đồng chỉ dành cho những khán giả thật sự muốn có những món quà của chuỗi nhạc này nên giá mới cao. Thật ra giá cơ bản vẫn là 150 ngàn đồng. Đây là giá vé tôi mơ ước để tất cả khán giả đều xem được. Tôi không mong muốn giá vé quá cao. Có nhiều khán giả trông chờ điều khác, như fanzone của tôi nên mới có giá 1 triệu và đây là điều chắc chắn tôi phải làm để tương ứng với những gì khán giả sẽ nhận được.
Chị có nghĩ chị sẽ làm chuỗi chương trình online không hay chị thử nghiệm xem thế nào rồi sau này mới tính tiếp?
Có một điều tôi thấy rất vui vì ban đầu khi làm gì tôi cũng sẽ tự làm nhưng đến khi có nhãn hàng nghe được thông tin về show, họ cảm thấy tuyệt vời. Tôi chỉ là người nghĩ ra chương trình như vậy, còn việc nghĩ ra kết cấu chương trình là của những bạn trong ekip. Ý tưởng trong đầu tôi nhiều nhưng đúng thật có nhiều bạn sẽ thấy ngạc nhiên. Tôi nghĩ chuỗi 6 show này mỗi show sẽ có một dạng khác nhau. Vẫn là kiểu studio nghe âm thanh chuẩn nhưng có thể nội dung, hình ảnh sẽ khác. Sau chuỗi 6 show, ở đêm gala thứ 6 chắc chắn sẽ đặc biệt hơn. Nếu tôi cảm thấy hứng thú tôi sẽ làm tiếp, có thể là mùa 2 hoặc sao đó. Hiện tại tôi chỉ có cảm hứng làm 6 đêm nhạc thôi.
Giữa làm một đêm nhạc offline và online, chị thấy làm cái nào cực hơn?
Lúc đầu tôi nghĩ làm online đơn giản hơn nhiều nhưng khi bắt tay vào làm, tôi thấy không hề đơn giản, rất nhiều thứ, tôi lại làm nhiều show nữa. Công tác chuẩn bị cũng rất nhiều. Việc live hoàn toàn phát ra chưa từng làm nên khi chuẩn bị việc này, việc kia, việc nọ rất nhiều.
Chị có lo lắng việc bị quay màn hình lại không hoặc bị quay, chụp lại bằng thiết bị khác?
Đây cũng là một vấn đề. Đương nhiên trong chương trình sẽ không quay, không chụp màn hình được. Khi làm vậy hệ thống sẽ phản hồi lại. Tôi hy vọng các bạn sẽ không làm vậy. Còn nếu các bạn quay chụp bằng thiết bị khác nhưng khéo léo bí mật cũng được, nếu không vẫn bị phản hồi và cũng hơi tiếc cho bạn đó. Hệ thống tôi làm chắc chắn không quay chụp được, trừ 'chiêu' như bạn nói. Cảm xúc lần đầu lúc nào cũng quý giá, khó có được cảm xúc đó lần sau, tôi cũng có những show sau đó để có cảm giác quý giá như vậy. Tôi nghĩ nếu khán giả xem, ngồi selfie, chụp lại cũng là một kỷ niệm đẹp.
Tự truyện, phim tài liệu của chị thì sao?
Tự nhiên tôi lại đổi ý, không làm phim tài liệu nữa. Một năm trôi qua mọi thứ thay đổi nên tôi cảm giác không muốn làm nữa.
Còn show Tri Âm ở Hà Nội có diễn ra không?
Show Tri Âm ở Hà Nội chắc chắn tôi vẫn phải làm, cỡ nào cũng làm.
Năm 2021 của chị khi nhìn lại như thế nào?
Năm 2021 tôi nghĩ tất cả đều như nhau. Đặc biệt hơn tôi có show Tri Âm, chắc là show duy nhất của showbiz. Tự nhiên làm xong show tôi cảm giác như mình đoán trước được sự việc (cười). Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất của tôi là được làm show Tri Âm. Nhạc sĩ Vũ Thành An cũng rất yêu quý âm nhạc của tôi, thầy hay nhắn tin cổ động: 'Con là người duy nhất trên thế giới làm được việc đó'. Tôi không biết lúc đó ai xui khiến nên tôi làm, đúng lúc mọi thứ được sắp xếp như vậy. Sau đó, tôi lại không làm Tri Âm ở Hà Nội được, nhưng tôi sẽ giữ cho đến khi làm được mới thôi. Chính vì lẽ đó nên phim tài liệu tôi ngưng lại và tôi suy nghĩ lại về phim tài liệu một chút.
Cảm ơn Mỹ Tâm về những chia sẻ này!
>> Xem thêm: Bộ ba Châu Đăng Khoa - Sofia - Khói truyền thông điệp ý nghĩa về nạn 'Body Shaming'