Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Những ngày qua, vụ việc bé gái N.T.V.A (8 tuổi, ở TP.HCM) bị 'dì ghẻ' Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) bạo hành dẫn đến tử vong nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Khi sự việc thương tâm xảy ra, ai nấy tỏ lòng tiếc thương cô bé, đồng thời lên án hành động tàn nhẫn của 'dì ghẻ' và sự thờ ơ của người bố đẻ.
Tuy nhiên, mới đây, bài đăng chia sẻ góc nhìn cá nhân của chuyên giáo giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên trên trang cá nhân đã gây chú ý của cộng đồng mạng vì một số quan điểm thiên hướng 'bênh vực' dì ghẻ Quỳnh Trang. Người này cho rằng đó là một cô gái xinh đẹp nhưng thiếu kiểm soát hành vi bản thân, dẫn đến hậu quả đau đớn. Chia sẻ của chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên đã gây tranh cãi lớn. Trong đó, nhiều sao Việt cũng đưa ra suy nghĩ của mình về câu chuyện này.
Diệp Bảo Ngọc: 'Đây sẽ là nốt lặng cho những bậc ba mẹ sống chậm lại'
Đây là một vấn đề nóng trong xã hội. Khi tiếp nhận thông tin này, ban đầu tôi không dám đọc vì tôi sợ mình sẽ không kiềm lòng được. Tôi sợ mình sẽ đau xót mặc dù mình không phải máu mủ ruột thịt gì với bé nhưng đó là giữa tình con người và con người với nhau. Thật ra bé bằng tuổi với con tôi, khi thấy thông tin đó tôi không dám đọc, tôi sợ nhìn những hình ảnh đau lòng đó tôi không kiềm được. Tuy nhiên thông tin đó đã được phổ biến quá nhiều trên mạng, tôi cũng vượt qua nỗi sợ của mình, bấm vào đọc để xem. Tôi, một người cũng có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ giúp được gì cho xã hội nói chung và trẻ em nói riêng. Tôi cảm thấy rất phẫn nộ với những hành vi như vậy. Tôi nghĩ đây sẽ là nốt lặng cho những bậc ba mẹ sống chậm lại, quan sát con cái nhiều hơn, dành thời gian cho con nhiều hơn. Đối với tôi, tiền bạc, nhà cửa có thể kiếm được nhưng tuổi thơ của con sẽ trôi qua và không bao giờ quay trở lại. Trẻ con cũng chỉ thường bên cạnh mình từ nhỏ đến 10 tuổi, khi đó bé sẽ biết khám phá bên ngoài và bé sẽ lớn, ngại và không thổ lộ tình cảm với ba mẹ nhiều nữa. Tôi nghĩ đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và các bậc chuẩn bị làm phụ huynh.
Sao Việt Diệp Bảo Ngọc đã đưa ra những quan điểm riêng về câu chuyện mẹ kế bạo hành bé 8 tuổi dẫn đến tử vong
Tôi gặp trường hợp bất kì nào trên mạng xã hội, tôi đều liên tưởng đến những người thân của mình, từ đó, tôi có bài quán chiếu về cách sống của mình thời gian qua thế nào, có cần chỉnh sửa gì hay không. Thật sự đôi khi tôi cũng bị cuốn theo công việc nhiều quá, không có thời gian cho con, đó là lý do 2, 3 năm gần đây tôi không có thời gian cho công việc nghệ thuật. Con tôi đang ở lứa tuổi lớn, tìm hiểu thế giới xung quanh nên rất cần người dìu dắt mình. So với thời điểm hiện tại, tôi khá hài lòng với quỹ thời gian tôi dành cho con, bên cạnh đó khi nghĩ về con và ba con, tôi cũng rất hài lòng.
Quách Ngọc Ngoan: 'Tôi chỉ biết dùng từ 'kinh tởm' cho mẹ kế và người bố'
Không riêng gì tôi, hầu như tất cả mọi người đều kinh tởm cô gái đó và người cha. Thật ra tôi không xa lạ gì với hai bạn ấy, tôi từng gặp cả hai khi còn ở khu đó. Khi còn ở đó, ngồi ở khu nhà mình, ít nhiều gì cũng gặp những cư dân đó. Đến khi sự việc xảy ra tôi mới nhận ra những người này tôi từng gặp rồi. Tôi chỉ biết dùng từ 'kinh tởm' cho mẹ kế và người bố. Tôi thật sự không hiểu nổi hai người có vẻ có học thức, sống ở xã hội phát triển lại có hành vi kinh khủng như vậy. Nếu sự việc không vỡ lẽ sẽ không ai ngờ. Với hình tượng, dung mạo của cô gái, độ tuổi 26 rất đẹp của người phụ nữ, những hình ảnh trên mạng cũng rất văn minh, sành điệu, sang chảnh lại làm những việc như vậy. Người bố cũng vậy, nhìn rất học thức nhưng lại đồng loã với người tình của mình, đối xử với con mình sinh ra. Mọi người bây giờ không cần hiểu tại sao nhưng khi nhắc đến chuyện này, ai cũng mong muốn cơ quan cảnh sát sẽ sớm đưa cả hai ra toà kết tội. Tôi nghĩ toà án sẽ có bản án thích đáng cho cả hai để làm gương cho mọi người và thoả đáng lòng căm phẫn của tất cả mọi người.
Trong sự việc cháu bé, nếu người mẹ kế đã tệ sẽ còn người bố, nhưng ở đây người bố cũng đồng lõa, đó là sự khủng khiếp. Tôi mong cuộc sống sau này của họ hãy tránh xa cộng đồng, vì họ khó tiếp xúc lại với cộng đồng. Người ta gặp họ, nhìn họ không khác gì quái vật, ghê sợ và kinh tởm. Điều xảy ra với cháu bé quá khủng khiếp. Những người còn trẻ, chưa lập gia đình cũng có sự bất xúc. Rất nhiều bạn bè tôi ở khu đó cũng rất bất xúc. Có thể, tôi nhìn thấy luôn nếu cả hai người này ra đường sẽ rất kinh khủng. Với một đứa trẻ trong trắng, thơ ngây, cháu không có tội gì cả.
Tim: 'Tôi mong những bậc làm cha mẹ sẽ suy nghĩ thật kĩ khi đến với nhau'
Câu chuyện quá xót xa, bé cũng bằng lứa tuổi con tôi, bé 8 tuổi còn con tôi 9 tuổi. Trường hợp này thật sự rất xót xa khi bố mẹ đã ly hôn. Thật ra mỗi gia đình mỗi cảnh khác nhau, có khi bố mẹ ly hôn làm con cái buồn, có khi bố mẹ ly hôn cũng làm con cái đỡ căng thẳng khi phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau. Bất kỳ vấn đề nào cũng có hai mặt. Riêng về vấn đề này, tôi biết con cái sẽ bị tổn thương về mặt tình cảm nên khi ở cạnh con, tôi luôn vừa làm cha, vừa làm mẹ để con không cảm thấy thiếu thốn.
Qua câu chuyện này, tôi mong những bậc làm cha mẹ sẽ suy nghĩ thật kĩ khi đến với nhau, khi có con cái để giữ được mái ấm. Khi quyết định chia tay nên có trách nhiệm, đặt con cái lên hàng đầu. Việc tình cảm, đi bước nữa, hãy lựa chọn cẩn thận.
Xuân Lan: 'Người đau khổ nhất chính là mẹ của bé'
Không riêng gì tôi, cảm xúc của tôi và tất cả những người yêu trẻ con, đặc biệt những người đã có con đều không chịu nổi. Tôi đã tránh nhìn những hình ảnh của bé ở những ngày đầu tiên vì tôi biết thực tế bé đã mất rồi và đây là câu chuyện rất đau lòng cho bậc làm cha mẹ. Sau đó tôi cũng lên tiếng, tôi có trao đổi với cô luật sư Trần Thị Ngọc Nữ bởi vì khi chúng tôi làm câu chuyện chống bạo hành, chống xâm hại trẻ em, cô Nữ đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện. Một lần nữa cô Nữ ngồi và khóc. Đầu tiên tôi cũng thắc mắc tại sao mẹ bé không gặp bé trong thời gian dài, đến hôm sau có người nhắn với tôi, mẹ bé rất thương bé nhưng mỗi khi mẹ đến trường tìm bé, bé sẽ bị đòn. Mẹ bé cũng bị cấm cản gặp con, bé bị cô lập. Nếu là một người cá tính như tôi, tôi sẽ bất chấp gặp con bằng được. Nếu mẹ bé có đủ sự mạnh mẽ đã không xảy ra câu chuyện này và chúng ta sẽ không ngồi nói về nỗi đau trong câu chuyện đó. Tôi nghĩ người đau là người còn lại, bé đã giải thoát cuộc đời đau khổ để bay lên, người đau nhất bây giờ chính là người mẹ. Đây cũng là bài học dành cho tất cả những người làm cha mẹ khác, trong câu chuyện bảo vệ con thế nào mình phải chủ động để bảo vệ con mình. Tất cả những đứa trẻ đều có thể là nạn nhân của câu chuyện bị xâm hại, bị bạo hành, rất nhiều nguy cơ với trẻ con. Tôi nghĩ đây là bài học quá đắng cay và đau đớn cho những người yêu thương trẻ con. Vân An là một cái tên chúng tôi sẽ nhớ hoài.
Sau câu chuyện này, tôi cũng bắt tay với một vài người bạn để viết lên một hành trình sắp tới, chúng tôi sẽ đi đến các nơi có trẻ em, những trường học để tuyên truyền tổng đài chống bạo hành trẻ em. Chúng tôi rất mong các cơ quan báo đài đồng hành với chúng tôi để viết tiếp những câu chuyện. Ít nhất các con hiểu được khi các con cầm điện thoại hoặc nhờ ai đó bấm dùm con 111, hoặc con nói 111 thôi là mọi người sẽ hiểu tín hiệu của các con. Thậm chí chỉ cần các con viết ra giấy 111 rồi ghi số phòng, số tầng lầu, số nhà, các con sẽ được tìm đến. Hy vọng tất cả những người đang lên tiếng cho Vân An sẽ cùng bắt tay nhau, không để câu chuyện này lắng xuống.
Thời điểm này không phải lúc chúng ta mổ xẻ những gì người mẹ đã làm, người mẹ đã trải qua. Khi bé ra đi, người đau khổ nhất chính là mẹ của bé và tôi không thể tưởng tượng được những đau khổ của người mẹ khi trải qua là gì. Vừa phẫn nộ, vừa đi kiện cho con, vừa chịu nỗi đau không gì sánh bằng, vừa chịu áp lực bên nội… Sức đâu mẹ của bé chịu được áp lực xung quanh và phán xét của họ. Tôi nghĩ không có người mẹ nào không thương con, không muốn gặp con, đương nhiên nếu ngồi ngoài chúng ta nghĩ ra rất nhiều cách nếu là tôi, tôi sẽ làm thế này thế kia. Nhưng chúng ta không phải mẹ của bé, không sống trong hoàn cảnh của mẹ bé, mình cũng không biết ba và mẹ kế đã làm những gì ngăn cấm mẹ và con bé gặp nhau. Tôi nghĩ thời điểm này không phải lúc phán xét, chúng ta nên dành sự đồng cảm, dành sự ủng hộ cho mẹ bé vào lúc này.