Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Mối quan hệ cận huyết được hiểu là việc xảy ra chuyện nam nữ như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hay giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người trong phạm vi ba đời được xác định như sau: đời thứ nhất là cha mẹ; đời thứ hai là anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba là anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì.
Mối quan hệ cận huyết làm tăng nguy cơ mắc các bệnh di truyền.
Theo các tài liệu khảo sát và công bố của các nhà chuyên môn thì mối quan hệ cận huyết là một trong những lý do chính gây bệnh tan máu bẩm sinh - Thalassemia.
Tại Việt Nam, bệnh Thalassemia phổ biến ở các tỉnh miền núi, cao nguyên, và phổ biến hơn ở các dân tộc ít người. Trên thế giới có khoảng 7% dân số mang gen bệnh Thalassemia.
Theo báo Biên phòng, phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con rất dễ bị tử vong, bệnh tật và đứa con sinh ra cũng dễ tử vong. Những đứa trẻ được sinh ra từ cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia. Nước ta được xếp vào khu vực có nguy cơ cao với hơn 5 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, hơn 20.000 bệnh nhân cần được điều trị.
Mối quan hệ cận huyết là những người cùng dòng máu về trực hệ hay giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Nguyên nhân của bệnh là do đột biến gen Alpha - Thalassemia trên nhiễm sắc thể số 16 và Beta - Thalassemia trên nhiễm sắc thể số 11, làm giảm hoặc mất khả năng tổng hợp chuỗi globin và bệnh được di truyền theo kiểu gen lặn trên nhiễm sắc thể thường.
Theo đó, nếu một trong hai người mang gen bệnh (đột biến) thì khả năng 50% con sinh ra mang gen bệnh và 50% con sinh ra không mang gen bệnh. Nếu cả 2 người đều mang gen bệnh, khả năng 25% con sỉnh ra sẽ bị bệnh, 50% con sinh ra mang gen bệnh và 25% con không mang gen bệnh.
Biến chứng của hội chứng bệnh thường gây ra khả năng tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến dạng xương, chậm phát triển và các bệnh về tim mạch. Cận huyết không chỉ gây ra hội chứng bệnh Thalasseia mà theo nghiên cứu của Robert E. Wenk (2008) cho rằng, những đứa trẻ sinh ra từ những cặp đôi có quan hệ cận huyết có thể làm tăng kiểu gen đồng hợp tử và vì vậy sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh về di truyền.
Tỉ lệ mắc bệnh tật của những đứa trẻ cận huyết là khá cao.
Những trẻ em được sinh ra từ mối quan hệ cận huyết thường mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, bệnh tật di truyền mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời mà nhiều chuyên gia Y tế đã cảnh báo như: Bệnh mù màu (Không phân biệt được màu xanh, màu đỏ), bệnh bạch tạng, da vẩy cá, bệnh tan máu bẩm sinh...
Xét về mặt xã hội, cận huyết gây ảnh hưởng không tốt đến văn hóa, đạo đức gia đình, phá vỡ và làm thui chột giá trị truyền thống văn hóa gia đình tốt đẹp, đồng thời làm giảm sút chất lượng nòi giống. Cận huyết không chỉ gây hại cho sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ em mà còn tước đoạt nhiều quyền con người của các em, ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của nhóm cộng đồng và dân tộc.