Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Tết Nguyên đán là dịp lễ hội truyền thống lâu đời và lớn nhất ở nước ta. Đây là dịp người thân trong gia đình tụ họp, nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc vất vả đồng thời bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Và không chỉ Việt Nam mới đón Tết theo Âm lịch, nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên,... cũng có lễ hội này. Tuỳ theo đặc điểm văn hoá truyền thống, mỗi nước sẽ có những phong tục đón Tết khác nhau.
Trung Quốc
Cũng như Việt Nam, Tết Nguyên đán là thời điểm nghỉ lễ dài nhất tại Trung Quốc. Đây cũng được coi là cuộc đại di cư của người dân nước này bởi họ sẽ từ khắp nơi về quê đón Tết cùng gia đình. Thời gian nghỉ lễ, hội hè thường kéo dài tới hết ngày 15/1 âm lịch.
Tết Nguyên đán tại Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Những ngày cuối năm, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ vì cho rằng rác bụi của năm trước là điềm xui xẻo cần được tống khứ. Trong ngày Tết, người Trung Quốc cũng đi chúc Tết, xem múa lân, làm bánh, trang trí hoa mai, hoa đào, mâm ngũ quả hay lì xì lấy may,…
Hàn Quốc
Tết âm lịch cũng là dịp người dân Hàn Quốc đi làm xa nhà được trở về quây quần bên gia đình. Vào ngày đầu tiên của năm mới, các thành viên trong gia đình sẽ bái lạy trước bàn thờ, cúng gia tiên với những món ăn truyền thống chủ yếu như hạt dẻ, lê, bánh, cá khô, đậu phụ, canh bánh gạo, các món chiên. Sau đó những người trẻ trong gia đình chúc thọ người lớn tuổi và nhận tiền lì xì từ cha mẹ, ông bà. Người Hàn Quốc thường diện trang phục truyền thống hanbok trong dịp Tết Nguyên đán.
Trước cửa nhà mỗi nhà thường có một cái xẻng bằng rơm (gọi là Bok-jo-ri) mang ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, nhận được phúc lộc quanh năm.
Singapore
Để chào đón năm mới, người dân Singapore thường trang trí nhà cửa và đường phố bằng những phụ kiện mang sắc đỏ đặc trưng của ngày Tết với hy vọng gặp nhiều may mắn.
Có rất nhiều lễ hội diễn ra suốt 1 tháng tính từ mùng 1 Âm lịch cho đến hết trung tuần tháng 2. Trong đó, nổi bật nhất là Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay.
Mông Cổ
Người dân Mông Cổ gọi Tết Âm lịch là ngày Tsagaan Sar hoặc Tết Tháng Trắng. Đây là một trong hai dịp lễ lớn nhất của nước này. Ngày Tsagaan-Sar báo hiệu mùa xuân đến kết thúc 1 mùa đông lạnh lẽo tại nơi đây, thời điểm ấm áp thích họp để bắt đầu một mùa vụ mới.
Vào khoảnh khắc giao thừa, nam giới Mông Cổ có nhiệm vụ lên một ngọn đồi/núi gần nhà để cầu nguyện sau đó mỗi người chọn một hướng đi hợp theo tử vi để xuất hành.
Vào dịp năm mới, mọi người trong gia đình quay quần bên nhau, thưởng thức bữa cơm ấm cúng. Mâm cơm ngày Tết của Mông Cổ có những món ăn mang đậm vị biên cương hoang dã như: cơm và sữa đông, cơm và nho khô, thịt cừu nướng...
Dịp này, người lớn tuổi sẽ trao quà cho những em nhỏ, phong tục này khá giống tục lì xì Tết tại Việt Nam. Ngoài ra, con cháu sẽ dâng mâm hoa quả được trang trí đẹp mắt để cúng tổ tiên.
Thái Lan
Cũng như Việt Nam, người dân Thái Lan đón Tết Nguyên Đán nhưng không phải là ngày đầu tiên của năm mới mà thường diễn ra vào tháng 4. Tết cổ truyền của nước này có tên Songkran diễn ra từ 13/4 đến 15/4.
Theo phong tục truyền thống của người Thái, buổi sáng, các gia đình lên chùa dâng hương, lễ Phật và thực hành nghi lễ không thể thiếu là tắm Phật đầu năm, để tỏ lòng thành kính và cầu may cho năm mới. Mọi người mang trái cây và thức ăn dâng lên các vị sư; thả chim phóng sinh, chúc thọ ông bà, cha mẹ, lấy nước thơm vẩy lên người nhau để chúc phúc. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật cũng được lau sạch sẽ và vẩy nước thơm. Trước đó, người dân tới bờ sông và nặn các ngôi chùa nhỏ bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi.
Sau nghi lễ ở chùa, người dân đổ ra đường chào đón năm mới với nghi thức đón mừng Đản sinh của Đức Phật bằng việc phun nước vào người nhau để gột rửa mọi ưu phiền của năm cũ, đón may mắn cho năm mới. Người trẻ sẽ té nước vào người già để tỏ lòng tôn kính. Người lớn tuổi thì mong rất hậu bối sẽ bỏ qua những lời gắt gỏng của người già hàng ngày.
Trên mọi nẻo đường, người dân Thái Lan với trang phục sặc sỡ, bật nhạc, hò reo, nhảy múa và té nước vào nhau bằng mọi dụng cụ như gáo, xô, súng phun nước…
Ấn Độ
Lễ hội Holi là ngày Tết âm lịch tại Ấn Độ. Đây là ngày lễ quan trọng nhất năm và là lễ hội mùa xuân nổi tiếng của người dân nước này.
Lễ hội Holi đánh dấu sự kết thúc của mùa đông khắc nghiệt và chào đón mùa xuân, là đặc trưng của ngày Tết. Ngoài ra người Ấn Độ quan niệm, khi nắng ấm lên xua tan cái lạnh mùa đông cũng giống như việc cái thiện đẩy lùi cái ác.
Cũng giống với lễ hội té nước của Thái Lan, tại Ấn Độ, mọi người sẽ cùng nhau pha bột màu với nước rồi thoa lên mặt, quần áo… những người xung quanh dù quen hay lạ.
Bhutan
Về cơ bản, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của người dân Bhutan khá giống Việt Nam. Dịp Tết Nguyên đán được người dân gọi là Losar - một trong những dịp lễ quan trọng nhất, diễn ra trong 15 ngày, đáng chú ý nhất là 3 ngày đầu tiên của năm mới.
Dịp này, các thành viên trong gia đình dù ở xa đến mấy cũng sẽ tụ họp về nhà, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, bày biện mâm cơm, mâm trái cây cúng tổ tiên để tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no trong năm cũ.
Người dân Bhutan còn có phong tục thăm đền thờ, nhảy múa và hát mừng năm mới. Trong những ngày đầu năm, người dân tại đất nước hạnh phúc nhất thế giới thường mua đồ mới, chứ không sử dụng lại đồ cũ.