Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Toàn bộ diễn biến vụ việc này đã được cơ quan điều tra, rồi báo chí phản ánh rất rõ ràng. Những gì được các nhà báo, bạn đọc gửi gắm trên các trang báo cho thấy một sự phản ứng rất mạnh mẽ trước những hành vi dã man.
Cho tới thời điểm này, theo những thông tin mới nhất, đây sẽ là vụ việc được điều tra tới nơi tới chốn và những đối tượng phạm tội sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng, nhằm răn đe, ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Trước vụ án đặc biệt nghiêm trọng và gây phẫn nộ trong dư luận này, tờ Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tuầncho biết, công an thành phố đã chỉ đạo tập trung điều tra, truy tố để xử lý nghiêm nhằm cảnh tỉnh răn đe chung cho toàn xã hội, không thể để tình trạng như vậy xảy ra với bất kỳ một ai.
Vài ngày sau, báo Tuổi trẻ cho biết, theo kết quả điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án tội 'giết người', khởi tố vụ án tội 'che giấu tội phạm'.
Nội dung chú thích ảnh
Vụ việc sẽ tiếp được làm rõ, thế nhưng ngay từ lúc này, nhiều tờ báo đã cho rằng, đây là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người trong xã hội, cần nhận thức rõ hơn và cùng chung tay ngăn chặn nạn bạo hành đối với trẻ em. Trong số những tờ báo viết về vụ việc này, có một ý kiến rất đáng quan tâm, đó là liệu đòn roi là cần thiết trong giáo dục trẻ em không?
Báo Tuổi trẻ dành nhiều số báo để kể những câu chuyện khác nhau về hình thức giáo dục bằng đòn roi, bằng bạo lực. Những người cha, mẹ dùng bạo lực để giáo dục con mình thường không nghĩ rằng mình sai, cho rằng mình làm như vậy vì quá thương con, mong muốn con cái trưởng thành, có một tương lai tươi sáng để có thể thoát khỏi sự nghèo khổ mà họ từng nếm trải. Thế nhưng, họ đâu biết rằng, vết sẹo trên cơ thể con cái mình do những đòn roi ấy sẽ lành, nhưng những vết sẹo trong tâm hồn, sự ám ảnh, sẽ còn tồn tại mãi.
Tạp chí Đảng cộng sản đưa ra một cái nhìn khá đầy đủ về tình trạng bạo hành đối với trẻ em liên quan đến gia đình, người thân quen của nạn nhân cùng với bình luận 'Đòn roi không giúp trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng', bạo hành không phải và không bao giờ là cách giáo dục hiệu quả đối với trẻ em. Các em chỉ có thể trưởng thành trên cơ sở tình yêu thương và sự đồng hành, chia sẻ của cha mẹ, người thân.
Câu chuyện đòn roi trong giáo dục trẻ em có lẽ là không hiếm. Nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến hình ảnh cha mẹ đánh đòn con cái ở ngay tại nơi mình sống. Đánh đòn con cái trong lúc nóng giận, có thể là bạo hành. Ranh giới là rất nhỏ. Những bậc cha mẹ vẫn còn coi đòn roi, bạo lực là cách giáo dục hữu hiệu nhất, đó là chuyện đáng trách. Thế nhưng, từ những vụ việc mới đây, có những luồng ý kiến thế này mà tôi cũng rất đồng tình, đó là cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em, mà cụ thể hơn là mỗi người cần phải nhận thức và hành động trong vấn đề này, dù cho đó là trẻ em trong gia đình mình, hay những trẻ em khác trong xã hội.
Báo Thanh niên có bài viết phân tích bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có thể gặp rủi ro bị người lớn bạo hành, kể cả 'người lớn' ấy chính là người thân của các cháu. Chúng ta dường như chỉ mới có ý thức bảo vệ trẻ em ở cấp độ vị kỷ cá nhân, tức là chỉ lo bảo vệ đứa trẻ của mình mà chưa có ý thức bảo vệ trẻ em đạt đến cấp độ trách nhiệm xã hội. Và cứ thế, mỗi người lớn chúng ta trở thành người có lỗi với trẻ em mà mình không biết.
Báo Sài Gòn giải phóng trong bài viết có tựa đề 'Xin đừng lặng im' nhận định, đã đến lúc cơ quan quản lý phải hành động mạnh mẽ hơn để có chính sách cụ thể trong việc bảo vệ quyền lợi trẻ em, trong đó quy định trách nhiệm của từng bên liên quan, đồng thời đảm bảo chính sách được thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt để không còn những câu chuyện đau lòng như thời gian qua.
Những giải pháp từ phía cơ quan quản lý là rất quan trọng, thế nhưng, quan trọng hơn, là hành động từ trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Để những câu chuyện đau lòng về bạo hành trẻ em không còn xuất hiện trên những mặt báo, ngay từ bây giờ, mỗi người trong chúng ta cần phải hành động để bảo vệ trẻ em.
Bạo lực, nơi nào cũng vậy, giống như ngọn lửa, dễ bùng cháy, dễ lây lan. Hãy loại bỏ cách tư duy bạo lực, thói quen dùng bạo lực để giải quyết các mối quan hệ xã hội. Tăng cường truyền bá cho lòng vị tha và đức khoan dung, ngăn chặn và xử lý ngay các loại sản phẩm văn hóa gắn liền với bạo lực, phim ảnh bạo lực, đồ chơi bạo lực. Con người cũng cần nhiều tình thương yêu và được dạy tình yêu thương từ trong gia đình và nhà trường.
Câu chuyện về thiếu kỹ năng giáo dục con trẻ không của riêng ai. Thực tế cho thấy, giáo dục bằng đòn roi, bạo hành đối với trẻ em có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, dù đó là một gia đình ở miền quê nghèo, hay một gia đình trí thức, sống cuộc sống đủ đầy trong những căn hộ sang trọng và đây là điều rất đáng suy ngẫm.
Trở lại vụ bé gái 8 tuổi tử vong do bạo hành tại thành phố Hồ Chí Minh. Dư luận xã hội rất bất bình. Chúng ta mong rằng, sau khi sự bức xúc ấy trôi qua với bản án nghiêm khắc được tuyên cho những kẻ thủ ác, mỗi người Việt Nam sẽ quay lại, chăm sóc, giáo dục con em và những đứa trẻ xung quanh mìnhvới nhiềusự yêu thương hơn nữa. Để mỗi đứa trẻ lớn lên với một tâm hồn trong sáng, vẹn nguyên, chứ không phải với những vết sẹo, nỗi ám ảnh vì bạo lực thời thơ ấu.