Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Phải làm sao khi xét nghiệm PCR âm tính nhưng vẫn ho kéo dài
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết trong những ngày gần đây anh gặp nhiều câu hỏi băn khoăn của F0 khi điều trị tại nhà.
Theo đó, trong quá trình điều trị, các F0 gặp nhiều tình huống phát sinh. Phổ biến nhất là bị mất khứu giác, vị giác, đi ngoài, mẩn ngứa. Nhiều người hỏi với những biểu hiện này có phải bệnh đang nặng lên hay không?
BS Huy Hoàng cho biết, những triệu chứng trên không phải dấu hiệu cho thấy tình trạng diễn biến của bệnh đang nặng lên.
'Nếu bị mất khứu giác, vị giác thì người bệnh cần tập ngửi các mùi quen thuộc, ăn những món ăn quen thuộc, dùng các vitamin nhóm B và thuốc bổ thần kinh để nhanh hồi phục. Thời gian thường vài ngày đến vài tuần. Các vấn đề còn lại, chỉ cần điều trị triệu chứng với các thuốc thông dụng như thường ngày', BS Hoàng cho hay.
Băn khoăn khác khá phổ biến của các F0 điều trị tại nhà là sốt. Chị Hoàng Lan (Hoàng Mai) cho biết, nhà chị có 4/5 người mắc Covid-19, tất cả đều bị sốt. Nếu hai con nhỏ sau một ngày sốt thì cắt cơn nhưng chị thì sốt kéo dài 3 ngày liên chưa dứt. Cứ hết thời gian uống thuốc hạ sốt (khoảng 4-6h) là thân nhiệt lại tăng lên.
Người phụ nữ này lo lắng không hiểu, bệnh có nặng lên hay không? Lý giải điều này, BS Hoàng cho rằng, sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể, ở đây chỉ là một trong 2 lý do, hoặc là do virus, hoặc là do vi khuẩn, hoặc cả hai.
Sốt do virus thì dùng thuốc kháng virus (Molnupiravir hoặc Favipiravir) ngăn sự nhân lên của virus, từ đó có thể nhanh cắt sốt. Tuy nhiên ngoài Covid-19, một số lại đồng thời nhiễm cúm hoặc các loại virus đường hô hấp khác (có khoảng vài trăm loại) thì không có cách nào khác ngoài dùng thuốc hạ sốt, bù nước + điện giải, điều trị triệu chứng (đau đầu, buồn nôn, nôn, vật vã kích thích...).
Nếu sốt do vi khuẩn phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, để xác định có phải nhiễm khuẩn hay không cũng không dễ. Để dự đoán phải dựa vào tiền sử bệnh là có hay bị viêm xoang, viêm họng, viêm amidan hay viêm phế quản không. Để biết chính xác thì phải xét nghiệm máu xem bạch cầu, chỉ số procalcitonin, chỉ số CRP... có tăng không, từ đó mới có quyết định sử dụng kháng sinh.
'F0 nếu sốt cao quá mà không có cách nào hạ sốt thì phải nhập viện', BS Huy Hoàng cho hay.
Đặc biệt có những trường hợp đã hết sốt, PCR âm tính nhưng vẫn ho kéo dài không đỡ. Họ băn khoăn không biết phải làm thế nào để chữa dứt điểm tình trạng này.
BS Huy Hoàng giải thích, ho là phản ứng bảo vệ, nhằm tống khứ các tác nhân có hại ra khỏi cơ thể. Nhưng nếu ho quá nhiều thì ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của bệnh nhân. Cách điều trị là dùng chanh mật ong, bổ phế, chống dị ứng, long đờm, giảm ho thảo dược...
Nếu vẫn kéo dài tình trạng ho thì cần xét nghiệm để loại trừ tình trạng nhiễm nấm đường hô hấp, kiểm tra xem có nhiễm khuẩn không để dùng kháng sinh. Người bệnh cũng cần kết hợp các bài tập thở, tập khạc đờm để giúp giảm các tác nhân kích thích đường thở.
Khỏi bệnh nhưng người vẫn mệt, khi nào thì cần đi khám hậu Covid-19
BS Hoàng cũng cho biết thêm, trong quá trình tư vấn miễn phí cho bệnh nhân, anh nhận được rất nhiều phàn nàn rằng đã khỏi bệnh nhưng người mệt, xuống sức, thường xuyên thấy lạnh, không làm được việc gì.
Họ băn khoăn không biết làm sao để giải quyết tình trạng này? Có cần phải đi viện để khám hậu Covid-19 hay không?
Trả lời băn khoăn này, BS Huy Hoàng cho biết, đây là các dấu hiệu của tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19, nguyên nhân có thể do tình trạng viêm lan tỏa toàn thân do Covid-19, rối loạn đông máu hậu Covid-19, lo lắng căng thẳng. Cách xử trí là tập luyện thể dục nhẹ nhàng nhưng đều đặn, ăn các đồ ấm nóng, dùng các thảo dược có tác dụng hoạt huyết, an thần...
'Thông thường sau 4-6 tuần thì các triệu chứng sẽ đỡ dần. Nếu không đỡ bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh', BS Huy Hoàng cho biết.
Vậy những ai dễ mắc di chứng hậu Covid-19, khi nào cần đi khám?
TS-BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP.HCM, cho biết người lớn tuổi, người có nhiều bệnh nền (tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường, hen, COPD…) là những đối tượng đầu tiên dễ mắc di chứng hậu Covid-19.
Những bệnh nhân trong giai đoạn cấp tính khi nhiễm Covid-19 có nhiều triệu chứng, thường từ 5 triệu chứng trở lên hoặc có những xét nghiệm bất thường trong giai đoạn dương tính (rối loạn đông máu, mức độ viêm cao, bão cytokine…) và những đối tượng phải nằm viện điều trị hồi sức cấp cứu do bệnh nặng cũng sẽ có nguy cơ cao mắc di chứng hậu Covid-19.
BS Như Vinh cũng lưu ý, hiện nay, chưa có định nghĩa chính xác rằng còn triệu chứng bao lâu sau nhiễm Covid-19 thì được gọi là hậu Covid-19. Tuy nhiên, những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng hậu Covid-19 sau 1 tháng nên đi khám để kiểm tra sức khỏe tổng quát, đặc biệt nếu triệu chứng kéo dài đến 3 tháng và khác thường so với các vấn đề của bệnh nền vốn có, cần phải đi khám sớm nhất có thể để điều trị kịp thời.
BS cũng lưu ý, không phải tất cả các di chứng hậu Covid-19 đều phải uống thuốc mới khỏi. Người bệnh không nên vì áp lực về các triệu chứng của mình mà tự tìm cách chữa trị không có sự tư vấn của bác sĩ.