Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Nhiều lần mâu thuẫn với gia đình vì stress, 'cứu' bản thân nhờ giúp đỡ người khác
'Việc học online dài ngày ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý cũng như chất lượng học tập của em. Nhiều lúc em mệt mỏi và chán nản. Em từng rất nhiều lần mâu thuẫn với gia đình vì stress.
Nhưng hôm đáng nhớ nhất với em có lẽ là vào đợt tháng 5/2021 khi em chuẩn bị thi chuyển cấp lên lớp 10. Hôm đó em vì quá áp lực nên đã to tiếng với gia đình và là lần đầu tiên em dám nói ra những gì em suy nghĩ hay những gì em đã luôn giấu mọi người.
Sau buổi ngày hôm ấy, bố mẹ và em đều suy nghĩ rất nhiều và sau cùng nhờ 'một lần nói hết' bố mẹ đã hiểu tâm trạng của em hơn, mối quan hệ gia đình cũng cải thiện hơn.'
Phạm Lê Hà My (THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội)
Đó là những lời tâm sự của Phạm Lê Hà My (học sinh lớp 10, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) khi được hỏi về những áp lực sau quá trình học online kéo dài 9 tháng qua do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội.
Đối với Hà My cũng như các bạn cùng trang lứa, đây là quãng thời gian phải ở nhà dài ngày nhất từ trước đến nay. Việc học của Hà My hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt khoảng thời gian nữ sinh chuyển cấp từ lớp 9, lên lớp 10. Những người bạn mới, thầy cô mới vẫn chưa được gặp nhau trực tiếp mà chỉ biết qua mạng.
'Thực sự là ở nhà nhiều quá, không có bạn bè nói chuyện cũng dễ sinh ra ức chế, bực dọc, việc học bài cũng không hiệu quả như trên lớp. Vì học online nên chúng em nhiều lúc cũng không tập trung, đường truyền bị trục trặc khiến việc học gián đoạn. Nhất là kỹ năng mềm, giao tiếp kém đi hẳn. Ngồi máy tính cả ngày, mắt em kém đi, cơ thể không vận động nhiều cũng uể oải, ức chế thần kinh.' - Hà My tâm sự.
Nhận thấy rất nhiều những tác động tiêu cực nhưng Hà My không vì thế mà cuốn theo nó, hay để nó đánh bại mình. Cô bạn tự tìm cách giải tỏa những căng thẳng bằng việc tranh thủ thời gian rảnh đi bộ thể dục quanh khu gần nhà, xem phim, nghe nhạc, hoặc chán quá nữa thì… đi ngủ. 'Ngủ một giấc dậy em thấy cũng thoải mái hơn nhiều.' - cô nàng tâm sự.
Cứu cánh lớn nhất của Hà My trong những tháng cuối năm đó là việc đăng ký và được lựa chọn trở thành gia sư tình nguyện hỗ trợ môn Tiếng Anh của Dự án cộng đồng Học cùng chiến binh nhí - Hỗ trợ học tập cho con em y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Mặc dù là dạy trực tuyến, nhưng việc được trở thành 'cô giáo' cho một học sinh lớp 7, hướng dẫn em học 2 buổi một tuần khiến Hà My trở nên bận rộn và thấy mình có ích.
Dự án Học cùng chiến binh nhí mang đến nhiều trải nghiệm ý nghĩa cho các bạn học sinh, sinh viên
'Đây là thử thách lớn nhất của em, vì em có kiến thức nhưng chưa có kinh nghiệm, những giờ học đầu tiên cũng khá khó khăn vì bạn học sinh gần như là mất gốc nên không hiểu kiến thức em truyền đạt. Sau đó, em tham khảo cách dạy trên mạng, nhờ các anh chị trợ giảng hỗ trợ nên đã biết cách trao đổi với bạn hơn.
Khi em nhận dạy, em ấy không biết viết câu hay nghe Tiếng Anh còn không hiểu. Nhưng cuối khoá thì học sinh đã có thể tự làm những đề độc lập mà không cần đến sự trợ giúp của em, cũng như biết thêm 1 số thứ về văn hoá hay phong cách sinh hoạt người Anh và không còn sợ Tiếng Anh như trước. Đó là thành quả nho nhỏ mà em rất vui khi giúp được em ấy.' - Hà My chia sẻ về quá trình làm gia sư.
Cô bạn rút ra rất nhiều điều sau hoạt động này: 'Sau khoá dạy, bản thân em cũng học được nhiều thứ, đặc biệt là cảm giác mình giúp đỡ được cho người khác nó vui khó tả lắm. Nên em tự nhiên muốn được tham gia những dự án như thế. Ít nhất là mình có thể góp chút sức vào giúp đỡ mọi người xung quanh, dịch bệnh này ai cũng khó khăn nên cố gắng giúp đỡ nhau 1 chút thì sống sẽ nhẹ nhàng và cảm thấy vui vẻ, tâm trạng cũng tốt hơn.'
Những ngày đầu năm mới, Hà My chỉ ước điều duy nhất là sớm được trở lại trường học. Cô bạn dự định sẽ thực hiện một số dự án giúp đỡ cộng đồng, góp phần vào công cuộc chống dịch của đất nước.
Những sinh viên năm nhất chưa từng đặt chân đến giảng đường
Năm 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên rất nhiều địa phương trên cả nước chuyển học online dài. Đây cũng là thiệt thòi với nhiều sinh viên năm nhất khi không được trải nghiệm trực tiếp trên giảng đường đại học mơ ước của mình.
Phạm Đình Đăng Khoa (2003, TP. Hồ Chí Minh) đang là sinh viên năm nhất ĐH Rmit TP. Hồ Chí Minh. Đăng Khoa nhập học đầu tháng 10/2021, mặc dù nhà trường có mở lớp trực tiếp cho sinh viên tự nguyện đăng ký, nhưng vì lo sợ dịch bệnh phức tạp nên Khoa đã không đăng ký.
'Lúc có lịch đăng ký là em chưa đủ 18 tuổi nên chưa được tiêm vaccine. Nhà lại có người cao tuổi bị bệnh nền nên em không đăng ký học trực tiếp. Ai ngờ đến lúc có lịch học trực tiếp từ tháng 11 thì lúc đó em đã đủ tuổi và tiêm vaccine được rồi. Cũng hơi tiếc mà lỡ rồi nên đành chấp nhận. Đến giờ em vẫn chưa có thẻ sinh viên luôn' - Khoa cười tươi chia sẻ.
Đăng Khoa cũng chia sẻ những trăn trở của mình: 'Nếu theo đúng lịch trình thì học kì sau em sẽ nhập học offline, nhưng mà nếu lỡ xui dịch có chuyển biến phức tạp phải học online thêm 1 thời gian nữa thì em thấy hơi thiệt thòi cho sinh viên năm nhất khi đóng tiền để trải nghiệm cơ sở vật chất mà lại không được sử dụng triệt để. Hơn nữa việc học cũng chắc chắn không hiệu quả bằng trực tiếp trên giảng đường'.
Tuy nhiên, theo cậu bạn: 'Mới là năm nhất nên nếu có học online thêm thì em cũng vẫn sẽ cố gắng theo học, cũng chưa có thiệt thòi đến mức đáng quan ngại, nên không sao.'
Cùng như Đăng Khoa, cô bạn Trần Thị Thu Hà (sinh viên năm nhất, ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) vẫn chưa một lần được đặt chân tới trường. Mọi thủ tục nhập học đều gửi trang web của trường hoặc đường bưu điện.
Trần Thị Thu Hà (ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)
'Từ lúc nhập học đến giờ em chưa được lên trường lần nào. Việc học hoàn toàn trên nền tảng online. Vì phương pháp dạy mới ở đại học khác hẳn cấp 3, lại học online nên em cũng khá vất vả. Phải loay hoay 2 tháng đầu mới dần bắt nhịp được. Cũng may đây là ngành em yêu thích, thầy cô cũng nhiệt tình chỉ dạy chứ không em dễ bỏ cuộc lắm.' - Thu Hà chia sẻ.
Nghĩ đến tương lai gần phía trước, Thu Hà tâm sự:
'Em thấy dịch bệnh đang có những tác động mạnh lên giáo dục. Nếu giáo viên, học sinh không bắt kịp xu thế thì rất dễ bị bỏ lại, ảnh hưởng xấu đến việc dạy và học. Theo em thì tốt nhất nên kết hợp cả dạy và học online cùng với dạy và học trực tiếp tại trường!
Nếu phải học online lâu dài hơn thì với bản thân em, em cảm thấy khá bức bách, do phải ở nhà quá lâu và ít được tương tác trực tiếp nên em thấy bản thân có vẻ ù lì đi khá nhiều. Và việc học online bên cạnh nhiều ưu điểm thì cũng tồn tại rất nhiều nhược điểm: khó tiếp cận nguồn tài liệu từ thư viện trường, bị chi phối bởi nhiều việc nhà,... Nên em mong dịch bệnh qua nhanh để chúng em được đi học trở lại.'
Tìm thấy niềm vui và cơ hội làm thêm nhờ học online
Mặc dù thừa nhận có những lúc chán nản, bí bách khi ngày ngày đối diện với chiếc laptop, ở trong không gian 4 bức tường, nhớ giảng đường, nhớ bạn bè, nhưng với Nguyễn Chí Nguyên (sinh viên năm 3, ĐH Sư phạm Hà Nội 2) cậu lại tìm thấy những ưu điểm khi học online và nhanh chóng tận dụng nó.
Nguyễn Chí Nguyên (ĐH Sư phạm Hà Nội 2)
Chí Nguyên chia sẻ: 'Em nhìn thấy cái bất tiện nhưng em cũng nhận ra những cái tiện lợi để mình soi vào đó mà thích ứng. Ví dụ như, em thấy học ở nhà khá thoải mái, sinh viên không phải mất công đi lại cũng như không phải lo thêm khoản sinh hoạt. Chất lượng học thì không thành vấn đề vì các thầy cô dạy vẫn tận tâm như trên lớp, các app thì ngày càng được nâng cấp nên học tập và nghiên cứu cũng đc cải thiện.
Với sinh viên kiến tập và thực tập thì chúng em được thay bằng đi thực tập tại địa phương. Vẫn có những trải nghiệm thực tế như khi đi học ở trên trường nên mọi thứ vẫn khá tốt. Duy chỉ có 1 số địa phương phải học online thì khá bất tiện vì các bạn không được trực tiếp tiếp xúc với học sinh và không có kinh nghiệm thực tế, kinh nghiệm đứng giảng đường,....
Nhưng bọn em tự động viên nhau, vì dù sao mình cũng có thêm kinh nghiệm trợ giảng online, một cách học mới vẫn đang được áp dụng và em nghĩ sẽ còn áp dụng dài thì bắt buộc sinh viên sư phạm chúng em phải làm quen thôi.'
Duy chỉ có một điều khiến Nguyên tiếc nhất đó là những hoạt động ngoại khóa trực tiếp ở trường phải tạm dừng. Nhưng dĩ nhiên là chàng trai năng động và dễ thích ứng này cũng nhanh chóng tìm cho mình cách sử dụng thời gian hiệu quả.
Chí Nguyên không chỉ nhận gia sư cho một số học sinh mà còn tham gia một số dự án dạy miễn phí cho các học sinh cần được giúp đỡ.
'Mặc dù chỉ gặp nhau qua màn hình máy tính, điện thoại thôi và những khó khăn về khoảng cách địa lý nhưng mình vẫn cảm nhận được tinh thần học tập và sự tiến bộ của các bạn học sinh sau từng buổi học. Sau những buổi học chính mình thường có những buổi kèm riêng miễn phí cho những bạn học yếu, bổ sung những kiến thức còn thiếu để các bạn học sinh bắt được nhịp học trên lớp và tiến bộ hơn…
Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với mình đó chính là sự tiến bộ của các em học sinh qua từng ngày. Những điểm 9 điểm 10 mà các bạn khoe với bố mẹ và mình rất xúc động và vui sướng. Mình mong rằng dịch bệnh mau hết để các bạn học sinh và mình nữa được quay lại trường học tập.' - Chí Nguyên tâm sự.
Nguyễn Thanh Hà (ĐH Sư phạm Hà Nội)
Trong khi đó với Nguyễn Thanh Hà (sinh viên năm cuối Khoa Triết học, ĐH Sư phạm Hà Nội) thì Covid-19 đã tác động không nhỏ tới cơ hội việc làm của các sinh viên chuẩn bị ra trường. Thanh Hà cũng không thể đi thực tập trực tiếp tại trường, trải nghiệm đứng lớp giảng dạy mà thực tập thông qua hình thức online.
'Sinh viên năm cuối tụi mình có đôi chút hoang mang sau khi ra trường, nhưng các bạn đều có dự định cho riêng mình rồi. Bản thân mình sẽ học thêm thạc sĩ để trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm, cùng với đó sẽ xin việc làm thêm. Dịch bệnh này ai cũng khó khăn cả, chúng ta phải tìm cách thích ứng và vượt qua thôi.' - Thanh Hà chia sẻ.
Năm mới 2022, ước mong lớn nhất của đa số các bạn học sinh, sinh viên đều là được quay trở lại trường học trực tiếp, trải nghiệm quãng thời gian thanh xuân quý giá bên bạn bè, trường lớp.