Vui lòng xác nhận bạn đã đủ
18 tuổi để
đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
Theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là 'tay chân' của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà. Táo quân hay còn gọi nôm na là ông Công ông Táo thường ngày ghi lại những công, tội, tốt, xấu của mọi người để hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để Ngọc Hoàng thưởng cho cái tốt, phạt cái xấu, cái ác.
Ông Công ông Táo về trời báo cáo Ngọc Hoàng
Các gia đình Việt nhà nào cũng thành tâm thờ cúng Táo quân. Người dân thờ Táo quân không phải chỉ vì sợ phạt mà còn chủ yếu là muốn cầu xin Táo quân ban cho mình những điều tốt đẹp.
Sự tích ông Công ông Táo có nhiều dị bản, cũng có người nói là những chuyện thêu dệt nhằm ổn định trật tự xã hội, nhưng việc dân gian thờ cúng các vị thần này có thể bắt nguồn từ sự sùng bái của loài người đối với lửa.
Từ thủa hoang sơ, con người vật lộn với thiên nhiên và học được cách dùng lửa. Lửa đem lại ánh sáng, hơi ấm cho con người. Thức ăn chín nhờ lửa khiến cho thể chất con người khỏe mạnh, cường tráng hơn. Lửa dần dần trở thành một trong những vật sùng bái tự nhiên của con người. Đống lửa không bao giờ tắt, phải được ủ và đốt trong bếp, vì thế thần lửa và thần bếp (Táo quân) là một.
Lễ cúng ông Công ông Táo năm 2022 ngày nào giờ nào đẹp?
Tết ông Công ông Táo hay gọi là Tết Táo quân 23 tháng Chạp năm nay vào ngày thứ Ba, chính là ngày 25/1/2022 dương lịch.
Dân gian có quan niệm lễ cúng ông Công ông Táo phải diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp để ông Táo kịp về Thiên Đình. Vậy nên nhiều gia đình làm lễ cúng từ ngày 22 tháng Chạp.
Ngày 22 tháng Chạp năm nay là ngày Đinh Sửu, tháng Tân Sửu, năm Tân Sửu. Trong ngày này có các khung giờ hoàng đạo như sau, các bạn có thể tham khảo chọn giờ đẹp để làm lễ cúng Táo quân như: Giờ Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Nếu cúng ông Táo sớm hơn nữa vào ngày 21 tháng Chạp thì các khung giờ đẹp gồm: Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).
Trong đó, giờ Ngọ ngày 21 tháng Chạp là giờ Tốc hỷ, là khung giờ đẹp nhất để cúng Táo quân. Nếu tiến hành cúng ông Công ông Táo vào khung giờ này, hứa hẹn năm mới gặp nhiều niềm vui, may mắn, xuất hành thuận lợi, dễ dàng hóa giải những xui xẻo, bệnh tật có thể gặp phải cho mọi thành viên trong nhà.
Còn nếu cúng đúng ngày 23 tháng Chạp thì các khung giờ đẹp gồm Thìn (7h-9h), Tị (9h-11h). Đặc biệt, giờ Thìn là giờ Tốc hỷ, rất thích hợp để các gia đình tiến hành nghi lễ cúng tiễn Táo quân về trời.
Nhiều người cho rằng, Táo quân là thần bếp núc nên việc cúng ông Công ông Táo phải thực hiện ở bếp. Tuy nhiên lễ cúng này là cúng chung ba vị Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp được thờ trên ban thờ. Vì vậy, việc cúng ông Công ông Táo cũng phải hành lễ tại ban thờ chính, chứ không phải cúng ông Công ông Táo ở bếp.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo được các gia đình chuẩn bị thịnh soạn.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo cần những gì?
Lễ cúng tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời theo truyền thống người Việt luôn được tiến hành trọng thể. Tùy theo quan điểm của từng người, từng gia đình để sửa soạn lễ vật cúng ông Công ông Táo, nhưng lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu mâm lễ cúng, đồ mã xiêm hài cho các Táo và bài văn khấn cúng tiễn.
Theo đó, mâm lễ cúng ông Công ông Táo thường bao gồm: Mâm ngũ quả và mâm lễ.
Mâm ngũ quả bao gồm: Tiền lễ, hương hoa, trầu cau, rượu thuốc, ngũ quả (chọn 5 loại quả). Mâm lễ bao gồm: Gà luộc, xôi hoặc bánh chưng, cơm canh.
Một phần lễ vật quan trọng khác trong lễ cúng ông Công ông Táo nữa là cá chép. Các gia đình chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là 'phóng sinh' để chúng đưa ông Táo về trời.
Trong tâm thức người Việt, 'cá chép vượt Vũ môn' hay 'cá chép hóa rồng' còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Ngoài ra, tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt.
Cá chép được phóng sinh ra ao hồ sau lễ cúng ông Công ông Táo.
Văn khấn ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Bài văn khấn này trích từ cuốn Tập tục và Nghi lễ dâng hương do Hòa thượng Thích Thanh Tứ, trụ trì chùa Quán Sứ hiệu đính.
'Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Kính lạy ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân
Tín chủ con là:
Ngụ tại:
Nhân ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa, vật phẩm, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần gia ân châm chước, ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già an ninh khang thái.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo'.